Quyết định nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Ba Vì tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
* Khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện Ba Vì thiếu đồng bộ, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng nhỏ lẻ manh mún. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Thu nhập bình quân/người chỉ đạt 21,7 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao, chiếm 15,1%.
Hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo một luồng sinh khí mới, làm "thay da đổi thịt" mọi mặt của khu vực nông thôn một cách toàn diện, trọn vẹn. Huyện Ba Vì đã có 30/30 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Phú Phương, Tản Hồng, Sơn Đà và Vạn Thắng. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Phú Đông, Phong Vân, Minh Quang và Đông Quang) và một xã (Tản Hồng) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về phát triển kinh tế nông thôn, địa bàn huyện có 118 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động (trong đó có 97 hợp tác xã nông nghiệp, 2 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 17 hợp tác xã dịch vụ khác, 2 quỹ tín dụng nhân dân) và 184 trang trại. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa VietGAP 40 ha tại các xã Phú Đông, Đông Quang, Minh Quang, Phong Vân bằng giống VNR20. Bên cạnh đó, xã Vạn Thắng còn có mô hình lúa cá, với diện tích 2 ha.
Chính nhờ vậy, đời sống nông dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được người dân nắm bắt và thực hiện tốt.