Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, do đầu năm địa phương có những đợt mưa lớn nên các hồ chứa trong tỉnh đều có nước tưới. Tính đến ngày 8/6, tổng lượng nước ở 21 hồ chứa trong tỉnh có trên 85/194 triệu m3, chiếm trên 43% dung tích chứa. So với cùng kỳ năm 2020, lượng nước tại thời điểm này cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, lượng nước ở hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) hiện tại cũng có trên 80/165 triệu m3, chiếm trên 48% dung tích thiết kế. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Thuận tăng diện tích sản xuất vụ Hè Thu, bởi nguồn nước từ hồ Đơn Dương không chỉ phục vụ cho sinh hoạt mà còn cung cấp một phần lớn lượng nước tưới cho các địa phương ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Để sản xuất có hiệu quả, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đã có giải pháp xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý để tưới cho cây trồng. Theo đó, đối với các hệ thống đập dâng hưởng lợi từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sẽ điều tiết cấp nước cho toàn bộ diện tích đất sản xuất thuộc khu vực tưới đập dâng Sông Pha và Đa Nhim - Lâm Cấm với tổng diện tích tưới hơn 14.750 ha; diện tích còn lại là cây màu và thủy sản.
Đối với hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh sẽ điều tiết nước ở 14/21 hồ để cấp nước tưới cho hơn 6.170 ha; trong đó lúa hơn 2.300 ha, diện tích còn lại là màu và thủy sản. Với hồ chứa Sông Trâu sẽ dừng toàn bộ diện tích gieo cấy lúa tại khu tưới thuộc Trạm bơm Lợi Hải; hồ chứa Sông Biêu dừng toàn bộ diện tích lúa tại khu tưới kênh Nam, hồ nước Ngọt dừng toàn bộ diện tích lúa. Ngoài ra, công ty còn điều tiết nước cho đập thời vụ và một số trạm bơm trên sông với tổng diện tích hơn 485 ha.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thách thức của thời tiết và biến đổi khí hậu là không thể lường trước, để đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ Hè Thu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cần tổ chức rà soát, tăng cường quản lý nguồn nước; đồng thời có giải pháp phù hợp duy trì hoạt động các tổ, đội theo nước (PIM) để tổ chức quản lý, điều tiết nước tại từng xứ đồng, vùng sản xuất, tránh tình trạng các vùng sản xuất đầu nguồn thì lãng phí nguồn nước, dẫn đến nước không đủ phục vụ các vùng sản xuất cuối nguồn…
Đồng thời, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện, đảm bảo cung cấp nước vùng hạ du địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong suốt vụ Hè - Thu này.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, vụ Hè Thu năm 2021 được địa phương triển khai gieo cấy từ 10/5-20/6. Để không lãng phí nguồn nước tưới, Chi cục đã và đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ Hè Thu; đồng thời không cho thực hiện gieo trồng ngoài kế hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân khẩn trương xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng theo lịch thời vụ; đặc biệt chú trọng sử dụng giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu khô hạn tốt để giao cấy. Để không lãng phí đất sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân thực hiện tốt các chương trình, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng cánh đồng lớn đạt hiệu quả đối với những vùng không thể sản xuất do không chủ động nước tưới.