Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Thuận, để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều, tỉnh tập trung xây dựng chương trình giảm nghèo gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư trọng điểm vào các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo chuẩn nghèo đa chiều.
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hạn hán và mưa lũ, nhưng Ninh Thuận vẫn ưu tiên thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Từ nguồn vốn các chương trình 30a, chương trình 135 của Chính phủ, tỉnh dành trên 90,4 tỷ đồng (gồm vốn của Trung ương trên 88 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 2,3 tỷ đồng) triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các xã, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ y tế, thông tin, hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động.
Nổi bật trong các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo là hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Với cách làm này, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như: Trồng mía, bắp lai, bưởi da xanh, mãng cầu, sầu riêng, dưa lưới, thanh long, chuối Nam Mỹ, các loại cây họ đậu, phát triển đàn gia súc dê, cừu, bò vỗ béo để lấy thịt, xây dựng các “cánh đồng lớn” sản xuất măng tây xanh, các giống nho, táo mới… Đến nay, nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo, cận nghèo cải thiện thu nhập, sớm vươn lên thoát nghèo.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác giảm nghèo của Ninh Thuận đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, tất cả các xã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế và đường giao thông nối đến trung tâm huyện được trải nhựa; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91%, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%... Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến cuối năm 2020 giảm còn 5,33% (toàn tỉnh còn 9.889 hộ nghèo, 13.657 hộ cận nghèo); có 3 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 11 thôn đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, việc thực hiện chương trình giảm nghèo tại Ninh Thuận cũng gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Việc lồng ghép các nguồn lực tuy đạt khá nhưng do các địa phương có xuất phát điểm thấp nên nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi định mức vốn hàng năm phân bổ thấp hơn, địa bàn thực hiện chương trình chủ yếu có địa hình đồi núi, khí hậu khô nóng khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu của chương trình.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Trọng tâm là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ phù hợp với từng địa bàn; đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế.
Tỉnh Ninh Thuận cũng tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội... Tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%, đến năm 2025 giảm 2/3 số hộ nghèo trở lên so với năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025).