Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được địa phương chú trọng và xem đây là nghĩa vụ, trách nhiệm và là niềm vinh dự của cả hệ thống chính trị.
Đến nay, tỉnh có trên 31.000 đối tượng là người có công và trên 40.000 hồ sơ người có công và thân nhân đang được quản lý; trong đó có trên 4.500 liệt sỹ, 518 mẹ Việt Nam Anh hùng (3 mẹ còn sống), 9 Anh hùng Lực lượng vũ trang, một Anh hùng Lao động còn sống, trên 1.500 thương binh và trên 2.000 bệnh binh. Trên 3.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, với số tiền hỗ trợ gần 6 tỷ đồng/tháng. Địa phương không có hồ sơ tồn đọng về giải quyết các chính sách cho người có công. Tỉnh còn có 3.060 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Ninh Thuận đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về giáo dục cho con em gia đình chính sách; quan tâm, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở cho con em liệt sỹ, thương binh, bệnh binh còn khó khăn. Các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Nhận đỡ đầu bố, mẹ liệt sỹ cô đơn; con liệt sỹ mồ côi; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; nhận chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn...
Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Thuận cho biết, hàng năm, Hội đều phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương tổ chức hành trình truy tìm hài cốt liệt sỹ còn nằm trên các vùng kháng chiến để đưa về nghĩa trang ở địa phương an nghỉ. Hiện tỉnh có một nghĩa trang liệt sỹ; 6/7 đài tưởng niệm cấp huyện, 54/65 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn đều có đài tưởng niệm, bia ghi danh liệt sỹ; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, sức lan tỏa của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương rất mạnh mẽ. Nhìn chung, đời sống của các gia đình chính sách, người có công ngày càng được cải thiện. 99,5% đối tượng hưởng thụ đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Trong đợt kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thu hút đông đảo các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ tiền mặt và thông qua phiếu đăng ký số tiền gần 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng; các nội dung của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ chế độ ưu đãi, nhằm nâng cao mức sống cho người có công thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, dự án về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, việc làm...
Tỉnh tiếp tục rà soát, hỗ trợ theo quy định đối với người có công còn khó khăn về nhà ở; phát huy và nhân rộng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ ở địa phương; tổ chức, phối hợp thực hiện tốt đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Địa phương đầu tư nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ ở các địa phương; đồng thời thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công, giải quyết những vướng mắc, bức xúc liên quan đến chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người có công.