Khó về cơ chế, nghèo về sản phẩm!
Tại Hội nghị Giao ban về phát triển du lịch diễn ra hồi tháng 3/2024, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Nai, bà Lê Thị Ngọc Loan, cho biết, mặc dù ngành du lịch tỉnh có bước phục hồi và phát triển, lượng khách và doanh thu du lịch có tăng, nhưng so với kỳ vọng vẫn chưa đạt.
Cụ thể, doanh thu du lịch là 1,7 ngàn tỷ đồng, đạt 50%; đón hơn 2,6 triệu khách nội địa, đạt 65%; bình quân chi tiêu của du khách 620.000 đồng/người, đạt 75% chỉ tiêu đưa ra.
Tại các khu, điểm du lịch hiện hữu của Đồng Nai chưa có sản phẩm, dịch vụ mới đặc sắc để hút khách. Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đã có chủ trương, nhưng chưa triển khai, hoặc triển khai chậm. Các dự án được triển khai theo hình thức thuê môi trường rừng gặp nhiều khó khăn, do quy định của Luật Lâm nghiệp chưa đầy đủ. Nhân lực và quảng bá du lịch cũng còn hạn chế.
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (huyện Vĩnh Cửu) Thân Văn Linh cho rằng, xu hướng của du khách hiện nay là thích khám phá, trải nghiệm đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Đây cũng là lĩnh vực công ty tập trung khai thác tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Tuy nhiên, bất cập hiện nay là khu nhà dài thường xuyên đóng cửa; một số nét đẹp văn hóa bản địa như lễ hội, nghề dệt dần mai một.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP The Coi Đồng Nai (huyện Định Quán) Đoàn Anh Tuấn cũng chia sẻ, từ năm 2017, công ty đã theo đuổi dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại huyện Định Quán. Đơn vị đã hoàn tất các thủ tục mà cơ quan chức năng yêu cầu; đã thuê chuyên gia Nga, Pháp, Đức thiết kế dự án du lịch sinh thái với các mục tiêu: Bảo tồn và tôn tạo thiên nhiên, tạo môi trường nghỉ dưỡng tốt, tạo việc làm cho người dân địa phương… Thế nhưng, ròng rã 8 năm qua, Công ty chưa được ký hợp đồng với chủ rừng, nên dự án vẫn "dậm chân tại chỗ".
Theo các doanh nghiệp lữ hành, khó khăn của du lịch Đồng Nai là thiếu sản phẩm đặc trưng và chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch (phương tiện giao thông, nơi lưu trú) quanh các điểm đến còn hạn chế, ít có hoạt động văn hóa văn nghệ đi kèm, ẩm thực phục vụ du lịch chưa đa dạng... Đó là lý do khiến cho mức chi tiêu bình quân khách du lịch đến Đồng Nai chỉ có hơn 600.000 đồng/người, tương đương vé đi cáp treo lên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), hay vé vào cổng Khu du lịch Sơn Tiên...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Sơn Hùng, kết luận, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là sự tăng trưởng về doanh thu, về lượng khách, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong đợi.
Ngành nông nghiệp vào cuộc
Đồng Nai sở hữu thế mạnh về du lịch sinh thái, với sự đa dạng về tự nhiên và sinh học, nổi bật là hệ thống đồi núi, sông, suối, thác nước với 30 khu, điểm du lịch, trong đó các điểm du lịch sinh thái chiếm đa số.
Các điểm du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch cáp treo Núi Chứa Chan, cụm dịch vụ du lịch vườn Long Khánh, hồ Trị An… đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của vùng đất này.
Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có tài nguyên rừng rộng lớn, đa dạng. Toàn tỉnh có 150.000ha rừng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, Đồng Nai cũng phát triển nhiều loại hình du lịch thể thao, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch cộng đồng… đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường.
Với diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực Đông Nam bộ 78.280 ha, Đồng Nai rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái vườn ở các huyện Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, thành phố Long Khánh...
Tại Đồng Nai hiện có nhiều vườn cây ăn trái như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, ổi, cam, quýt, bưởi... từ đó hình thành nên những vùng chuyên canh từ vài trăm đến hàng ngàn ha. Các địa phương cũng đã bắt đầu chú trọng phát triển du lịch sinh thái vườn. Nhiều vườn cây ăn trái rất đẹp đang được phát triển du lịch sinh thái vườn để nâng cao thu nhập.
Đồng Nai hiện đứng đầu khu vực Đông Nam bộ, khi sở hữu số lượng lớn sản phẩm OCOP đạt chứng nhận: 248 sản phẩm của 136 chủ thể (41 công ty, 23 HTX, 8 tổ hợp tác và 64 hộ nhà vườn). Trong đó, 202 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao. Đó là những “ át chủ bài” để các nhà hoạch định thiết kế chương trình du lịch sinh thái, vừa có tour du lịch, vừa tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất.
Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng.
Một số cơ sở hoạt động du lịch sinh thái đã bước đầu mang lại hiệu quả như: Vườn hoa Bốn Mùa (xã Xuân Bắc), Hợp tác xã Ca Cao (xã Suối Cát), điểm tham quan Lang Minh Farm (ao Sen Lang Minh), The Lúa (Lang Minh), Đồi hoa mặt trời (xã Xuân Trường)…
Tỉnh Đồng Nai đã và đang có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích người dân làm du lịch, đồng thời tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, tạo sự kết nối giữa các khu, điểm du lịch, tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch trong tương lai.
Chính quyền nhiều địa phương cũng đã tổ chức các cuộc thi nhà vườn kiểu mẫu, lễ hội trái cây để khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Người nông dân đang dần chủ động gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch dưới sự khuyến khích của chính quyền.