Trồng cây dược liệu dưới tán rừng
Tổng diện tích rừng của Đồng Nai đang quản lý, khoanh nuôi tái sinh là hơn 181 ngàn ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 124 ngàn ha; rừng trồng hơn 48,5 ngàn ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt gần 29,3%, lớn nhất cả khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Đối với rừng tự nhiên, Đồng Nai đã đóng cửa rừng từ lâu nay, để quản lý, bảo tồn sự đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái rừng. Riêng với hơn 73 ngàn hécta rừng phòng hộ và rừng sản xuất, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai thí điểm, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, nhằm mang lại lợi ích kinh tế và môi trường. Điển hình như mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc được giao quản lý hơn 10 ngàn ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng trồng. Đến nay, Ban quản lý (BQL) đã giao khoán cho 7.000 ha rừng cho 2.200 hộ dân quản lý, chăm sóc, trong đó có một phần diện tích rừng keo lai cùng trồng và khai thác.
Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết: Nếu chỉ trồng cây rừng như cây keo, mỗi ha rừng hàng năm chỉ mang lại thu nhập từ 20-25 triệu đồng, là mức thu nhập thấp so với hiện tại. Nhằm tăng nguồn thu cho người dân, đồng thời vẫn đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất trồng rừng, đảm bảo môi trường, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã hợp tác với Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS (Đồng Tháp) trồng nấm linh chi dưới tán rừng.
Việc trồng nấm dưới tán rừng sẽ chỉ sử dụng phần đất dưới tán rừng, không sử dụng quỹ đất khác, bảo đảm đúng quy định của nhà nước. Bước đầu cho thấy, cây nấm linh chi phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, qua đó tận dụng được nguồn đất rừng trồng vốn có.
Trồng nấm linh chi vốn đầu tư thấp, nhưng tạo ra sản phẩm giá trị cao. Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ về giống nấm linh chi, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Sau 8 tháng trồng, doanh thu từ nấm linh chi trồng dưới tán rừng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ ha, qua đó tạo thêm sinh kế, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống cho người trồng rừng.
Theo Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Đồng Nai có trên 45.000 ha rừng trồng sản xuất, trong đó khoảng 29.500 ha trồng keo lai. Những năm gần đây, diện tích trồng cây keo lai được mở rộng, song hành với đó cũng tạo thêm nhiều diện tích trồng nấm linh chi. Ông Lê Văn Gọi cho hay, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng tại Đồng Nai vẫn còn nhiều tiềm năng. Ngành lâm nghiệp tỉnh đang thực hiện nhiều mô hình, nhằm mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững. Điển hình như tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đã được tỉnh xét duyệt thông qua cho triển khai thực hiện đề tài trồng thử nghiệm cây mật nhân- một loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Người dân ở các địa phương cũng đã triển khai trồng các loài cây dược liệu như vối, đinh lăng bạc hà, nghệ vàng… dưới tán rừng.
Du lịch sinh thái còn nhiều tiềm năng
Không chỉ có diện tích rộng lớn, rừng Đồng Nai còn gắn liền với nhiều di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng như Di tích chiến khu Đ, Thác Mai- Bàu Nước Sôi, Đá Ba Chồng... Du lịch sinh thái cũng là thế mạnh của rừng Đồng Nai. Theo thống kê của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, đơn vị đón hơn 35.000 lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, học tập, trải nghiệm các hoạt động trong rừng.
Ông Bùi Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử chiến khu Đ cho biết, mỗi năm, Trung tâm nhận và hướng dẫn hàng chục ngàn lượt khách trải nghiệm các hoạt động trong rừng. Trong mỗi chuyến đi, du khách đều tỏ ra thích thú, hứng khởi với cảnh quan thiên nhiên hoang dã và bầu không khí trong lành.
Cũng nhằm khai thác du lịch từ hệ sinh thái rừng, tháng 6/2024, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đã ký hợp đồng cho Công ty CP The Coi Đồng Nai thuê 480 ha rừng để thực hiện dự án du lịch dưới tán rừng, giai đoạn 2024 - 2030. Dự án này được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, thực hiện tại 10 vị trí rừng, trên tổng diện tích khoảng 42 ha, với điểm nhấn là khu vực Bàu nước sôi (nóng từ 50 đến 60 độ C), quần thể đá tại khu vực thác Mai, thác Chín Chì, Hang Dơi và nhiều điểm thác, sông, suối. Đây là đề án du lịch sinh thái dưới tán rừng đầu tiên của Đồng Nai được phê duyệt, thực hiện. Dự kiến kinh phí thực hiện 2.800 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu vực thuê môi trường rừng. Quan điểm khi thực hiện dự án là không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng. Các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường.
Rừng phòng hộ Tân Phú có diện tích khoảng 18.000 ha, nằm ở hai huyện Tân Phú và Định Quán. Ngoài hệ thực vật phong phú, nơi đây còn có hệ thống sông suối, thác ghềnh chảy quanh co, xen lẫn các bãi đá thiên nhiên, tạo nên cảnh quan hùng vĩ. Đây cũng là địa điểm thu du lịch hấp dẫn của Đồng Nai, do đó sau khi khu du lịch sinh thái The Coi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách đến với địa phương.
Ngày 10/9/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Đồng Nai.
Kế hoạch nhằm triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong đề án phù hợp với tình hình thực tế, thế mạnh của địa phương để phát huy tối đa giá trị của hệ sinh thái rừng cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trên cơ sở phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa mục đích, đa giá trị, sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.
Cụ thể, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 1,5%/năm. Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong tỉnh, đáp ứng tối thiểu 28% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2025 và đạt khoảng 2,8 tỷ USD vào năm 2030. Tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 duy trì đạt 28,34%./.