Nông Sơn vững bước đến tương lai

Nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, huyện Nông Sơn không chỉ được biết đến với những vườn Tiên – núi Chúa, núi Cà Tang, Hòn Kẽm – Đá Dừng, lăng Bà Thu Bồn, làng trái cây Đại Bình, nước nóng Tây Viên, thủy điện Khe Diên, mỏ than Nông Sơn mà còn biết đến là nơi của tình người đôn hậu, mến khách đang phát huy trí lực và nghị lực, khai thác một cách hợp lý, bền vững các nguồn tài nguyên để vững bước tiến về tương lai và mục tiêu trước mắt là đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Chú thích ảnh
Cơ sở vật chất giáo dục được huyện Nông Sơn chú trọng đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đoàn kết, đồng lòng, phát huy trí lực và nghị lực

Bí thư huyện ủy Nông Sơn Thái Bình cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định: Tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; khai thác tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội; phấn đấu đến năm 2025 huyện Nông Sơn cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng huyện có nền kinh tế phát triển bền vững, đẹp về văn hoá, phong phú về tinh thần, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng- an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xứng đáng huyện anh hùng thời kì đổi mới. Để hoàn thành mục tiêu đó, các cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể phải không ngừng nỗ lực phấn đấu để góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện phát triển nhanh hơn và bền vững.

Nhiệm kỳ 2015-2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo; Đảng bộ và nhân dân huyện Nông Sơn đã nỗ lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra và đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Trên lĩnh vực kinh tế, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 247,7 tỷ đồng, tăng 33,95% so với năm 2015, chiếm 16,85% trong cơ cấu kinh tế của huyện; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 950,8 tỷ đồng, tăng 114,% so với năm 2015; giá trị thương mại dịch vụ ước đạt 401,5 tỷ đồng, tăng 62,24% so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 đạt 2.107 tỷ đồng, trong đó thu phát sinh kinh tế đạt 370 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm trên 7%.

Để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, những năm qua, Nông Sơn chú trọng việc huy động, lồng nhiều nguồn vốn đầu tư để xây dựng để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy. Tổng vốn đầu tư được huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 336,7 tỷ đồng. Tuyến ĐT610 vừa được nâng cấp thành quốc lộ 14H, kết nối tuyến đường Đông Trường Sơn đi các huyện vùng tây xứ Quảng, tạo động lực phát triển kinh tế vùng. Giao thông phát triển, đến nay tất cả các địa phương trong huyện đều đã có đường bê tông đến tận thôn xóm, khu dân cư, thế cô lập ở những làng xa xôi cách trở đã được xóa bỏ hoàn toàn. Cầu Nông Sơn và tuyến đường nối từ cầu này đến đường Trường Sơn Đông sắp sửa hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn để Nông Sơn khai thác hiệu quả tiềm năng của mình. Đến nay, toàn huyện đạt 96 tiêu chí, bình quân 16 tiêu chí/xã; 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Quế Lộc, Quế Trung), dự kiến đến cuối năm 2020 xã Sơn Viên về đích nông thôn mới. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Nông Sơn giảm xuống còn 10,19%, bình quân giảm 11,1%/năm. Công tác quản lý, sử dụng đất, tài nguyên môi trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện, từng bước đi vào nền nếp; văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững. Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ huyện Nông Sơn kết nạp mới 222 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên lên 1.290 đồng chí, sinh hoạt tại 45 tổ chức cơ sở đảng. 

Chú thích ảnh
Cầu Nông Sơn, một trong những dự án trọng điểm tại địa phương chuẩn bị hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Vững bước tiến đến tương lai

Đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của huyện Nông Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết: Nông Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược, có điều kiện liên kết với các trung tâm du lịch, các điểm du lịch Duy Xuyên, Hội An, tiếp nối với đường Trường Sơn Đông... Huyện còn có nhiều địa danh, cảnh đẹp nổi tiếng, còn lưu giữ màu sắc lễ hội văn hóa, tâm linh. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần giàu lòng mến khách trong nhân dân. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh, có giải pháp cụ thể, quyết liệt, hấp dẫn hơn để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng, thu hút nhiều du khách đến với Nông Sơn. Để làm được điều này, Nông Sơn cần tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nhân dân xây dựng và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất nguyên liệu; nhân rộng vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, giảm diện tích trồng keo. Bảo tồn giá trị thương hiệu vùng trồng cây ăn quả bản địa gắn với đặc trưng riêng của làng văn hóa Đại Bình, xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ các mặt hàng nông sản bản địa. 

Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nông Sơn sẽ tiếp tục phát huy vai trò của chủ thể trong xây dựng NTM, chú trọng lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các hạng mục giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng NTM. Để đưa Nông Sơn trở thành huyện NTM vào năm 2025, địa phương nỗ lực khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trong xây dựng NTM. Nỗ lực đưa Quế Trung trở thành thị trấn vào năm 2021; tiếp tục đưa 3 xã còn lại là Ninh Phước, Phước Ninh, Quế Lâm đạt chuẩn xã NTM vào các năm tiếp theo. Phấn đấu xây dựng xã Sơn Viên trở thành thành xã NTM nâng cao, các xã còn lại đạt chuẩn NTM, đưa Nông Sơn đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025. Cùng với phát triển kinh tế, Nông Sơn cần chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, lấy sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu hướng đến. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung nâng cao trình độ dân trí, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Huy động nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm cho người dân khó khăn, phấn đấu không còn nhà tạm.

Chú thích ảnh
Nhiều công trình điện được đầu tư xây dựng và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết: Đảng bộ huyện Nông Sơn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm 85% trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp 15%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân từ 9-11%/năm, trong đó: tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5-7%/năm, ngành công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 9-11%/năm, thương mại-dịch vụ 11-13%/năm. Thu phát sinh kinh tế tăng từ 7-10%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 250 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 46 triệu đồng/năm; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn dưới 2%, 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% trường đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nông Sơn giàu tiềm năng về du lịch với nhiều di tích, thắng cảnh đẹp như khu suối nước nóng Tây Viên, làng cây ăn quả Đại Bình, di tích Dinh Bà Thu Bồn, thủy điện Khe Diên, làng trầm mỹ nghệ, có thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng. Dự án suối nước nóng Tây Viên đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Nông Sơn quản lý, xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Những nguồn tài nguyên quý giá này sẽ được khai thác hợp lý và bền vững tiềm năng để xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc biệt, có sức hấp dẫn mạnh đối với du khách, đưa du lịch trở thành mũi nhọn của địa phương.

Để phát triển mạnh kinh tế vườn kết hợp với trang trại, gia trại, trồng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, cây ăn quả, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân được xác định là hướng đi mới để góp phần giảm nghèo bền vững tại Nông Sơn. Bên cạnh diện tích trồng rừng tập trung bình quân của huyện là 4.000ha/năm, diện tích trồng keo nguyên liệu đạt gần 7000 ha, bình quân mỗi năm khai thác khoảng 1.500ha, năng suất 50m3/ha, khối lượng khoảng 70.000m3. Về trồng rừng gỗ lớn, trong 2 năm qua toàn huyện đã trồng trên 120 ha, dự kiến đến cuối năm nay diện tích rừng gỗ lớn của địa phương sẽ đạt trên 200 ha và sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo. 

Nông Sơn đang đổi thay từng ngày. Phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồi tại, trong giai đoạn 2020-2025, huyện Nông Sơn sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm đang triển khai và tiếp tục tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng một số công trình, hạng mục quan trọng khác để từng bước  hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn, hướng đến mục tiêu xóa nghèo một cách bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, Bí thư huyện ủy Nông Sơn Thái Bình nêu quyết tâm./.

Bài và ảnh: Quốc Quân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN