Nuôi thỏ thương phẩm cho thu nhập cao

Gần 3 năm nay, anh Nguyễn Tấn Hưng, ngụ thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã “bén duyên” với nghề nuôi thỏ và hiện nay anh rất thành công với mô hình này, nuôi thỏ thương phẩm đã giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định hơn trước nhờ mức thu nhập khá cao.

Anh Hưng cho biết, suốt 20 năm anh bươn chải kiếm sống khắp nơi, với đủ các loại nghề mà cuộc sống gia đình anh vẫn không đủ sống, lúc nào cũng trong cảnh thiếu trước hụt sau. Anh cũng suy nghĩ, trăn trở với nhiều nghề để có thể bứt phá giúp cuộc sống gia đình đỡ khổ cực hơn.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Tấn Hưng rất thành công với mô hình nuôi thỏ thương phẩm.

Cách đây 3 năm, anh có một người bạn đang sinh sống ở Hải Dương và rất thành công với nghề nuôi thỏ đã gợi ý cho anh chuyển qua nghề nuôi thỏ thương phẩm. Người bạn này cũng đã nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho anh qua điện thoại.

Nghe người bạn hướng dẫn kỹ thuật anh Hưng cũng thấy khá hào hứng với vật nuôi này. Sau đó, anh cũng lặn lội tới các trang trại nuôi thỏ ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… để tham quan, học hỏi thêm cách nuôi.

Anh Hưng nhận thấy thỏ là con vật không quá khó nuôi, chỉ cần người nuôi chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận là sẽ đảm bảo sức khỏe cho thỏ phát triển. Cùng với đó là chi phí đầu tư và nguồn thức ăn tận dụng được, thỏ sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định nên anh Hưng đã quyết định đầu tư, phát triển nuôi thỏ theo mô hình trang trại.

Khởi đầu, anh Hưng nuôi thử 14 cặp thỏ New Zealand do người bạn đang nuôi thỏ từ Hải Dương bán giống gửi vào. Do đã được người bạn hướng dẫn kỹ về kỹ thuật nuôi thỏ nên lứa đầu tiên anh Hưng nuôi rất thành công. Từ đó, đã giúp anh có động lực để gây nuôi đàn thỏ ngày một nhiều.

Anh Hưng cho biết, lứa đầu anh nuôi thỏ mẹ sinh sản ra bao nhiêu anh nuôi gần như hết bấy nhiêu, chỉ bán một số ít để trang trải chi phí thức ăn, thuốc men cho đàn thỏ. Năm đầu tiên từ 14 con giống ban đầu, anh Hưng đã gây được đàn thỏ lên 500 con.

Nhận thấy thỏ thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển tốt, năm 2019, anh quyết định mở rộng chuồng trại để nuôi với số lượng lớn. Hiện nay, anh Hưng đã xây dựng được 2 trang trại nuôi thỏ, với tổng đàn hiện nay trên 1.000 con, trong đó có khoảng 300 con thỏ mẹ sinh sản. 

Theo anh Hưng, tùy theo độ tuổi của từng lứa thỏ mà cho lượng thức ăn vừa đủ. Để hoàn thiện quy trình nuôi công nghiệp, anh Hưng đã thiết kế đường ống nước tự động gắn vào mỗi lồng, thỏ khát có thể đưa miệng vào uống. Đây là cách vừa bảo đảm vệ sinh chuồng trại, giúp thỏ khỏe mạnh, vừa tiết kiệm thời gian, công chăm sóc.

Anh Hưng cũng chia sẻ thêm, nuôi thỏ việc tiêm vắc xin cũng phải được chú ý hàng đầu, đặc tính của thỏ New Zealand thường không chịu được nóng nên chuồng trại lúc nào cũng phải thông thoáng, mát mẻ, sạch sẽ, thức ăn là cỏ thì không được cho thỏ ăn cỏ ướt, cỏ úa dễ dẫn đến thỏ bị bệnh về đường tiêu hóa, chỉ cần người nuôi lưu ý những vấn đề đó thì đảm bảo sẽ thành công.

Mỗi tháng, thỏ mẹ sinh sản một lứa từ 6 - 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg là có thể xuất bán.

Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi ngày anh Hưng xuất bán khoảng 30 con thỏ thương phẩm, với giá 75.000 đồng/kg. Nếu khách có nhu cầu mua giống, anh Hưng bán 150.000 đồng/kg, thỏ con thì 150.000 đồng/cặp. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng anh Hưng thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng. 

“Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thỏ thương phẩm của các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là khá lớn, trong khi đó, trại của gia đình tôi chỉ đáp ứng khoảng 30 con/ngày. Do đó, tôi đã cung cấp giống, hướng dẫn cho các hộ gia đình trong và ngoài huyện có nhu cầu nuôi thỏ để cùng liên kết, cung cấp đủ nguồn hàng cho thị trường tiêu thụ”, anh Hưng nói.

Trong thời gian nuôi thỏ, ngoài việc tận dụng nguồn phân thỏ thải ra để bón cho diện tích trồng cỏ, rau làm thức ăn cho thỏ, anh Hưng còn sử dụng chất thải của thỏ trộn với các phụ phẩm nông nghiệp ủ làm phân vi sinh bán cho các nông hộ trồng trọt có nhu cầu, kiếm thêm khoảng 40 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi thỏ, gia đình anh Hưng đã có cuộc sống ổn định, ngày càng phát triển.

Theo ông Đinh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Tấn Hưng là mô hình nuôi hoàn toàn mới tại địa phương, đã góp phần mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi trên địa bàn xã Nghĩa Thành. Hiện nay, Hội Nông dân xã đang chuẩn bị xây dựng một dự án về nuôi thỏ để đưa vào tổ hợp tác nghề nghiệp hướng tới sản xuất có hiệu quả và đầu ra ổn định.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
6 'bí quyết' chăn nuôi lợn an toàn sinh học
6 'bí quyết' chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học trở thành yếu tố tiên quyết để bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN