Mấy chục năm có nhà giáp sông nhưng chưa bao giờ các hộ dân sông ven sông tại đường Lê Thị Hồng Gấm (Phường 5, thành phố Bạc Liêu) và một số phường tại thị xã Giá Rai lại đối diện với một mùa mưa bão đầy bất an như năm 2024 này.
Nguy hiểm rình rập
Nhìn hơn nửa căn nhà bị trôi xuống sông, bà Phan Thị Thu Nguyệt không khỏi ngậm ngùi. Bà Nguyệt cho biết, cả gia đình sống ven sông Cà Mau - Bạc Liêu này đã mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy sạt lở nặng nề như năm nay. Sụt lún là do xáng múc (nạo vét) quá sâu. Hiện, nhiều vết nứt mới tiếp tục xuất hiện trong ngôi nhà của bà. Chính quyền địa phương cũng vận động các hộ dân có nhà cửa gần khu vực sụt lún không ngủ lại nhà vào ban đêm để tránh nguy hiểm.
Bà Phan Thị Thu Nguyệt chia sẻ, mấy bữa trước, bà đang ngủ trong nhà bỗng nghe tiếng răng rắc, chạy ra phía sau kiểm tra thì nửa căn nhà phía sau đã bị tuột xuống sông. Cả gia đình bà phải đi sống nhờ người quen, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn.
Đến nay đã 56 tuổi, ông Huỳnh Đức Thắng (cách nhà bà Nguyệt hai căn) lần đầu tiên trong đời thấy thấy sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tài sản người dân lớn và nghiêm trọng như vậy. Ngoài ra, thời gian sạt lở xuất hiện vào ban đêm nên mọi người rất lo lắng. “Người dân ai cũng mong chính quyền các cấp sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời để người dân sớm trở lại cuộc sống ổn định”, ông Thắng chia sẻ.
Còn ông Lương Văn Thương, ấp Nhàn Dân B (xã Tân Phong, thị xã Giá Rai) cho biết, đang ngủ thì nghe tiếng lắc rắc trên mái tôn, nổ vách tường nhà sau, rồi nguyên căn nhà sau với chiều ngang 7,1 m, dài 6m, diện tích 42,6 m2 trôi tuột xuống lòng kênh. "Người dân chỉ mong chính quyền các cấp có biện pháp lâu dài giúp bà con có chỗ ở. Năm nào cũng sạt lở, ai cũng lo lắng, nhất là những tháng mùa mưa. Sạt lở hoài như này chắc mất hết cái nhà luôn!" ông Thương lo lắng nói.
Theo Trung tá Huỳnh Chí Phong, Trưởng Công an Phường 5 (thành phố Bạc Liêu), sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã cử lực lượng xuống địa bàn giúp các hộ dân dọn dẹp hiện trường thiệt hại, di dời đồ đạc ở các hộ bị ảnh hưởng. Lực lượng Công an, quân sự cũng phối hợp với người dân địa phương thay nhau chia các ca trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ người dân nếu có sự cố mới.
Sạt lở diễn biến phức tạp
Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tại bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu, đường Lê Thị Hồng Gấm thuộc địa bàn Khóm 6, Phường 5 (thành phố Bạc Liêu) đã xảy ra sạt lở bờ sông. Tính đến chiều tối 23/6/2024, có 39 căn nhà bị ảnh hưởng trong phạm vi chiều dài sạt lở 800 mét (phát sinh 5 căn nhà so với ngày 22/6). Qua thống kê, rà soát, 10 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng nặng phải di dời đến nơi an toàn, 29 hộ dân còn lại theo dõi tình hình, nếu tình hình phức tạp hơn sẽ tiếp tục di dời người và tài sản đến nơi khác an toàn.
Khảo sát và kiểm tra hiện trường, bước đầu ngành chức năng nhận định, đoạn bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu sạt lở do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đang thi công nạo vét sông tại khu vực này. Thời điểm xảy ra sạt lở là thời kỳ triều kém, cao trình mực nước trên sông xuống thấp, tải trọng trên bờ (cộng thêm mưa làm đất bão hòa nước) đã gây ra sạt lở. Hiện, đơn vị thi công (Công ty Cổ phần Giao thông Sài Gòn 99) phối hợp với UBND Phường 5 hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng mỗi hộ 5 triệu đồng.
Chính quyền địa phương đã kịp thời cử lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ các hộ dân dọn dẹp hiện trường thiệt hại, di dời đồ đạc giúp hộ có nguy cơ sạt lở và cắm biển cảnh báo sạt lở. Lực lượng chức năng khẩn trương thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại để tiến hành hỗ trợ các hộ dân sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất.
Còn tại thị xã Giá Rai, dù chỉ mới đầu mùa mưa nhưng tình hình sạt lở ven sông trên địa bàn tiếp tục xảy ra. Đặc biệt, vụ sạt lở nghiêm trọng dọc kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, đoạn qua các xã Tân Phong, Phong Thạnh và phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, gây ảnh hưởng đến nhiều nhà dân và một số nhà có xuất hiện nhiều vết nứt, vách tường xé, nền bị nghiêng, sụt lún về phía sông Cà Mau - Bạc Liêu làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân tại khu vực này.
Khu vực này cũng đã xảy ra sạt lở vào năm 2023 và những năm trước đây, tổng chiều dài sạt lở khoảng 2,6km. Tuyến đường này là khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, có 458 hộ dân sinh sống dọc tuyến đường.
Giải pháp lâu dài
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ thực tế sụt lún ở huyện Hồng Dân và sạt lở trên địa thị xã Giá Rai, thành phố Bạc Liêu cho thấy sự bất thường của thời tiết từ đầu năm 2024 đến nay so với những năm trước. Điều này đặt ra vấn đề về quản lý hành lang đường thủy tại các địa phương để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản mang tính lâu dài của người dân trước sự ảnh hưởng của sạt lở, sụt lún. Ngoài ra, nguồn lực của tỉnh có hạn nhưng nguồn vốn cần để xây dựng các bờ kè phòng, chống sạt lở tại các địa phương khá lớn do hệ thống sông ngòi của tỉnh rất chằng chịt.
Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu Trần Minh Hải thông tin, sau khi sự cố sụt lún xảy ra, thành phố đã thành lập 6 tổ để thống kê, đánh giá tình hình sụt lún, sạt lở và mức độ thiệt hại của các hộ dân; đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sạt lở trong thời gian tới.
Về lâu dài, Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá nguyên nhân gây sạt lở, có giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn, đồng thời làm cơ sở để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại hoặc bồi thường theo quy định.
Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai kiến nghị về lâu dài, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, sạt lở để có cơ chế, chính sách đầu tư và xây dựng các công trình, dự án phòng, chống khắc phục; có dự án sắp xếp di dời dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm, tránh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Đồng thời, xây dựng hệ thống các trạm quan sát khí tượng - thủy văn hiện đại, đồng bộ giúp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm, nhất là sạt lở đất được kịp thời, chính xác để các cấp, ngành, người dân biết chủ động biện pháp phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho rằng, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, khó dự báo, nhất là thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng. Để chủ động phòng, chống, hạn chế tối đa thiệt hại, các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân sống ven sông, ven kênh rạch chủ động phòng tránh; đặc biệt, không lấn chiếm lòng sông để xây dựng các công trình, nhà ở… Các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng sụt lún và sạt lở cần khẩn trương rà soát tất cả điểm có nguy để có hướng chủ động cảnh báo từ sớm. Cùng với đó, cần ưu tiên vốn thực hiện gia cố các điểm sạt lở trước mắt và làm bờ kè bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Chính quyền các địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời đảm bảo cuộc sống người dân, nhất là khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở.
“Rà soát cụ thể từng nhà, nếu cần thiết cần xem xét di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn và giải quyết kịp thời chế độ theo quy định về an sinh xã hội, kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở này", ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.