Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đồng Nai, khu vực được quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp Phước Tân là đất rừng trồng. Tại đây có 41 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang sản xuất, kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật. Những trường hợp này đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Tại khu vực này, có 45 trường hợp xây dựng các công trình, nhà xưởng công nghiệp với quy mô lớn trên đất trái pháp luật. Qua thanh tra, UBND tỉnh Đồng Nai phát hiện 34 trường hợp vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; 22 cơ sở đang sử dụng điện nhưng không ký hợp đồng mua bán với điện lực, 37 cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, các đơn vị quản lý Nhà nước chưa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư, sử dụng điện, phòng cháy chữa cháy, kê khai nộp thuế; chưa kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh các biện pháp để chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Để xảy ra những sai phạm nêu trên là do trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND thành phố Biên Hòa, UBND phường Phước Tân và UBND huyện Long Thành (trước năm 2010, khu vực này thuộc địa giới hành chính huyện Long Thành).
Xét tính chất, mức độ vi phạm, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, sản xuất, kinh doanh trong khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân có văn bản cam kết giữ nguyên hiện trạng, chờ kết luận xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan tại các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước đó, năm 2018 và 2019, TTXVN đã nhiều lần phản ánh, khu đất quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân có diện tích hơn 72 ha, dù chưa được tỉnh Đồng Nai cấp phép nhưng có hàng chục doanh nghiệp đã xây dựng trái phép nhà xưởng, tuyển dụng hàng nghìn công nhân và tiến hành sản xuất kinh doanh.