Phát huy hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Để kinh tế tập thể phát triển mạnh và bền vững trong giai đoạn mới, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã.

Xác định kinh tế tập thể là đòn bẩy thúc đẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cơ chế, chính sách và tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho kinh tế tập thể. Cùng với sự nỗ lực của các hợp tác xã, tổ hợp tác…, hiệu quả phát triển của kinh tế tập thể đã có nhiều khởi sắc, tạo sức mạnh lan tỏa lớn ở địa phương.

Chú thích ảnh
Người dân ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chăm sóc vườn nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bước nhảy vọt của kinh tế tập thể

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có trên 100 hợp tác xã; trong đó có 97 hợp tác xã đang hoạt động với vốn điều lệ trên 127,8 tỷ đồng. Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có 75 hợp tác xã, chiếm trên 77%; 7 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, chiếm trên 7%; 6 hợp tác xã kinh doanh dịch vụ tổng hợp, chiếm trên 6%; lĩnh vực vận tải có 6 hợp tác xã, chiếm trên 6% và 3 Quỹ tín dụng nhân dân. Đến tháng 8/2022, các hợp tác xã, tổ hợp tác có trên 18.800 thành viên, ước đến cuối năm 2022 có khoảng 18.990 thành viên tham gia.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn tác động, thế nhưng hoạt động kinh tế tập thể ở Ninh Thuận vẫn duy trì và phát triển ổn định, quy mô sản xuất được mở rộng. Một số mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả, được nhân rộng; liên kết giữa các hợp tác xã và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Hợp tác xã, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học công nghệ…, thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận còn hỗ trợ, phân bổ kinh phí 8,9 tỷ/20 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho 12 hợp tác xã; đồng thời phân bổ 5 tỷ đồng cho các địa phương theo kế hoạch đầu tư công năm2022 để hỗ trợ cho các hợp tác xã trên địa bàn.

Có được nguồn lực đầu tư, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác ở Ninh Thuận đã chủ động mở rộng quy mô sản xuất, nhiều mô hình sản xuất cánh đồng lớn, tưới tiết kiệm nước, trồng rau, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao… được hình thành và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, Ninh Thuận đang có 54 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm.

Điển hình như: Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa với 37 hợp tác xã tham gia, nâng thu nhập bình quân cho các hộ thành viên lên 50 triệu đồng/ha; mô hình liên kết theo chuỗi măng tây xanh có 4 hợp tác xã cùng liên kết, hợp tác với các công ty thu mua, tạo doanh thu bình quân đạt khoảng 700 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm; mô hình liên kết sản xuất ngô giống với diện tích trên 250 ha, lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha; hay mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao; mô hình cánh đồng lớn sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP… mang lại lợi nhuận đáng kể cho các hợp tác xã.

Một số hợp tác xã được thành lập mới thông qua tài trợ của các tổ chức quốc tế, hoạt động theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp cũng đạt kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án như: Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ớt do KOICA và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) tài trợ; mô hình theo chuỗi giá trị nho tại Hợp tác xã nho Evergreen Ninh Thuậnđược Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam (VCED) do Chính phủ Canada tài trợ và tổ chức SOCODEVI thực hiện…, góp phần nâng cao thu nhập cao cho thành viên hợp tác xã.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã năm 2022 ước đạt 2,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2021; trong đó doanh thu đối với các thành viên ước đạt trên 1,7 tỷ đồng/năm, tăng 2,9% so với năm 2021; lợi nhuận bình quân ước đạt 225 triệu đồng/hợp tác xã, tăng 2,3% so với năm 2021; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt 58 triệu đồng/người/năm, tăng 16% so với năm 2021.

Đối với tổ hợp tác, ước đến cuối năm 2022, tỉnh có khoảng 990 tổ hợp tác đang hoạt động. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác năm 2022 ước đạt 250 triệu đồng/năm, tăng 4,2% so với năm 2021; lợi nhuận bình quân ước đạt triệu đồng/năm, tăng 4,6% so với năm 2021.

 Tạo đà cho kinh tế tập thể phát triển mạnh

Để kinh tế tập thể phát triển mạnh và bền vững trong giai đoạn mới, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã. Theo đó, mục tiêu mà tỉnh Ninh Thuận đặt ra đó là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân cùng tham gia.

Song song đó, tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã thoát khỏi những yếu kém hiện nay và tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP của nền kinh tế.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong năm tới (năm 2023), tỉnh Ninh Thuận phấn đấu vận động, thành lập mới khoảng từ 10 - 12 hợp tác xã và khoảng 20 - 25 tổ hợp tác; trong đó lĩnh vực nông nghiệp có từ 6 - 7 hợp tác xã và khoảng 10 - 15 tổ hợp tác được thành lập mới. Bên cạnh đó, thu hút số lượng thành viên mới khoảng từ 310 - 330 thành viên; trong đó có khoảng 100 - 150 thành viên hợp tác xã và khoảng 100 - 150 thành viên tổ hợp tác.

Đồng thời, phấn đấu doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt từ 2,3 - 2,4 tỷ đồng/năm; doanh thu bình của mỗi tổ hợp tác đạt khoảng 260 - 270 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của mỗi hợp tác xã đạt khoảng 230 - 240 triệu đồng/năm, tổ hợp tác đạt khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm.

Chú thích ảnh
 Các doanh nghiệp thu mua sản phẩm nha đam (cây lô hội) tại vùng trồng cho xã viên hợp tác xã ở phố Phan Rang-Tháp Chàm. 

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã cũng như Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng và hình thành các mô hình liên kết chuỗi trên tất cả các lĩnh vực, hỗ trợ tăng cường liên kết về kinh tế giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.

Đồng thời, tỉnh cũng hình thành các vùng chuyên canh, đa dạng hóa sản phẩm; khuyến khích các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất gắn với bảo quản và chế biến; định hướng các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất cụ thể để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực thẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay.

Tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý, kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hợp tác xã; tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, Luật Hợp tác xã, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể; đồng thời ban hành chế tài để xử lý các hợp tác xã, tổ hợp tác… vi phạm Luật Hợp tác xã.

Trước mắt, UBND tỉnh tập trung rà soát tình hình hoạt động của hợp tác xã, hướng dẫn các hợp tác xã đã ngừng hoạt động thực hiện thủ tục giải thể; tăng số lượng và đảm bảo chất lượng hợp tác xã thành lập mới, thu hút thêm thành viên tham gia vào hợp tác xã; tăng số vốn điều lệ, từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các hợp tác xã.

UBND tỉnh đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các ngành liên quan tập trung rà soát lại đội ngũ làm quản lý tại các hợp tác xã để điều chỉnh hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã; khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất để thực sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao năng lực quản trị và tổ chức sản xuất, kinh doanh để phát triển một cách bền vững, hiệu quả theo đúng Luật Hợp tác xã.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Đồng Nai thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp
Đồng Nai thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp

Ngày 26/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN