Hội thảo nhằm bàn luận các giải pháp xây dựng vùng nuôi chuyên canh các loại cá đặc sản có giá trị cao và đánh giá thực trạng, phân tích nhu cầu phát triển bền vững vùng nuôi trồng thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch cụ thể phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hóa các sản phẩm thủy sản đặc sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất vùng Đông Nam Á, có diện tích gần 22.000 ha mặt nước, kéo dài trên km dọc bờ biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai không chỉ có giá trị cao về đa dạng sinh học mà còn giữ các chức năng quan trọng về môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội cũng như lịch sử, văn hóa. Đầm phá này có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao, tiêu biểu là các loài giáp xác, nhuyễn thể, cá và rong cỏ, cung cấp nguồn lợi thủy sản và nguồn giống tôm, cá lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi năm, đầm phá cung cấp hàng nghìn tấn thủy sản từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao đời sống của dân cư trong vùng đầm phá.
Hiện nay, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được khai thác khoảng trên 7.000 ha. Các hoạt động khai thác, nuôi trồng đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá theo hướng tích cực; chuyển từ sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có giá trị và hiệu quả cao; tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nuôi trồng thủy sản tại đây chủ yếu vẫn nhỏ, lẻ, thiếu tính quy hoạch. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái thu mua ngay tại ao nuôi; sản phẩm tiêu thụ dưới dạng sơ chế, không có nhãn hiệu và ít có sự liên kết tổ chức sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu, để phát triển vùng nuôi trồng thủy sản bền vững vùng đầm phá, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần nghiên cứu ban hành một số chính sách như khuyến khích phát triển thương hiệu cho các đối tượng đặc hữu; hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi thủy sản hướng VietGAP, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao…; hỗ trợ doanh nghiệp để gắn kết giữa sản xuất và thị trường; khuyến khích cá nhân, tổ chức nhận quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn kết hợp phát triển nuôi thủy sản theo hướng sinh thái kết hợp du lịch.
Với tham luận “Hiện trạng phát triển nuôi trồng thủy sản và giải pháp quy hoạch vùng nuôi ở tỉnh Thừa Thiên – Huế”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trương Văn Giang cho rằng, giải pháp chủ yếu về hạ tầng trong giai đoạn tới là đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi cao triều đảm bảo áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, hướng đến áp dụng công nghệ cao; sắp xếp lại vùng nuôi chắn sáo (dùng lưới và cọc tre để rào chắn kỹ lại khu vực nuôi), cá lồng và chuyển đổi dần việc áp dụng lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến như lồng Đan Mạch quy mô nhỏ, hoặc gia cố hạ tầng vùng nuôi hạ triều đảm bảo kiểm soát được môi trường nước trong ao nuôi, chủ động các biện pháp kỹ thuật.
Về định hướng phát triển chuỗi thị trường sản phẩm thủy sản đặc sản, thủy sản đầm phá Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Quang Vinh Bình (Chi cục Thủy sản tỉnh) chia sẻ, về lâu dài cần xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sản phẩm thủy sản đặc sản và tăng cường quảng bá các sản phẩm thủy sản đặc sản đầm phá; tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung, mở rộng thị trường bằng cách khuyến khích các hộ chế biến nhỏ lẻ tại các xã ven biển.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan các vấn đề như: bảo tồn, phát triển nguồn giống các loại thủy đặc sản vùng đầm phá; đánh giá kết quả chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; ô nhiễm môi trường vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai…