Bốn khâu đột phá chiến lược
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính là 4 khâu đột phá với mong muốn đưa kinh tế, xã hội “bứt phá” đi lên. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch, hành động, phù hợp để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Xuyên cho biết, dù đối mặt với kinh tế suy thoái, đầu tư công giảm nhưng nhờ vận dụng thời cơ, tranh thủ tối đa các nguồn lực, tỉnh Phú Thọ vẫn huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong 3 năm gần đây, tỉnh huy động tổng vốn trên 50 nghìn tỷ đồng, tăng 14 lần so với giai đoan 2011-2015; trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp chiếm 52% tổng nguồn vốn huy động.
Từ nguồn vốn huy động, tỉnh đã thực hiện 199 dự án thuộc 8 ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội then chốt. Đáng chú ý là tỉnh đã thực hiện 25 dự án hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện trên 1.100 km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã; đưa vào sử dụng ba nút giao thông quan trọng kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thiện hai cây cầu lớn Văn Lang, Mỹ Lung giúp kết nối giao thương giữa vùng trọng điểm kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh. Việc thực hiện hiệu quả khâu đột phá trên đã mang lại diện mạo mới cho tỉnh. Diện mạo thành thị và nông thôn đổi thay rõ nét, đưa Phú Thọ ngày càng phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Đức Nhẫn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu và thị trường lao động, nguồn nhân lực giá rẻ không còn là ưu thế nổi bật của cả nước cũng như của tỉnh Phú Thọ. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã đổi mới phương pháp dạy theo hướng chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh. Trong đào tạo nghề, tỉnh chú trọng nghiên cứu, khảo sát thị trường sử dụng lao động, phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong từng ngành, lĩnh vực; liên kết với các doanh nghiệp gắn đào tạo với giải quyết việc làm.
Trong 5 năm qua, trên 2 nghìn người đã được đào tạo mới, trong đó có trên 23 nghìn cán bộ, công chức doanh nhân, công nhân kỹ thuật được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề trên địa bàn đạt 70%, tăng 12% so với năm 2015.
Hoạt động du lịch tiếp tục có sự khởi sắc nhờ kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư, công tác thông tin, xúc tiến du lịch được thực hiện hiệu quả. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đường sông gắn với du lịch văn hoá làng nghề đã thu hút lượng khách quốc tế đến thường xuyên. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch cộng đồng đang được tập trung đầu tư, phát triển trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, bước đầu đã hình thành điểm đến mới thu hút ngày càng nhiều khách tham quan và lưu trú... Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy cho biết, năm 2019, tỉnh đã đón trên 610 lượt khách lưu trú, trong đó 7.800 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt 3.400 tỷ đồng.
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Phú Thọ có bước “đột phá” mới . Từ một tỉnh đứng tốp cuối bảng xếp hạng, đến nay, Phú Thọ vươn lên xếp thứ 26/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh miền núi phía Bắc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng trong vòng 5 năm qua. Mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt cao trên 80%.
“Bứt phá” đi lên
Nhờ triển khai hiệu quả 4 khâu đột phá, Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, vươn lên ở top đầu về trình độ phát triển trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Theo đó, 19/20 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra; quy mô kinh tế tăng 15 lần so với năm 2015. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 7,95%/năm (kế hoạch 6,96%/năm). Tổng sản phẩm toàn tỉnh năm 2020 ước đạt trên 75.800 tỷ đồng, tăng 1,6 lần. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 52,8 triệu đồng, tăng 65% so với năm 2015.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, số hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm, huyện Tân Sơn đã thoát huyện nghèo. Đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới có bước “đột phá” lớn. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 116 xã đạt và 59 xã cơ bản đạt chuẩn; bình quân một xã đạt 15,5 tiêu chí, 4 huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng cho biết, tiếp tục thực hiện hiệu quả 4 khâu đột phá, tỉnh đang triển khai các giải pháp huy động mức cao nhất các nguồn lực đầu tư để đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt; đẩy nhanh tiến độ thi công đưa vào sử dụng chuỗi các dự án trọng điểm; ưu tiên nguồn vốn đầu tư mạng lưới giao thông nội tỉnh kết nối vùng; tăng cường đầu tư hạ tầng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Về cải cách hành chính, tỉnh xây dựng chính quyền điện tử hoạt động hiệu quả, đồng bộ, liên thông, thống nhất cấp 4; triển khai kế hoạch chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực trong quản lý nhà nước, tạo bước đột phá trong hoạt động quản lý điều hành các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhận tạo …
Đối với phát triển nguồn nhân lực, tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở và đội ngũ cán bộ làm chuyên môn trực tiếp; nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả đào tạo nghề; thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho đào tạo; tập trung triển khai các cơ chế, nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu để thu hút lao động vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Trong du lịch, tỉnh xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào du lịch, đặc biệt với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch; tổ chức thông tin, quảng bá, xúc tiến trong, ngoài nước mời gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thu hút khách du lịch đến Phú Thọ; tăng cường công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đặc biệt, tỉnh phát triển đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đường sông và du lịch cộng đồng.
Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế năng động
Đưa kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là mục tiêu của tỉnh Phú Thọ đề ra trong giai đoạn tới. Nhiều giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đã được tỉnh đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng cho biết, để tiếp tục tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế, xã hội cho giai đoạn tới, Phú Thọ đưa ra các định hướng lớn là: tập trung thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao vào khu cụm công nghiệp; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với củng cố an ninh quốc phòng.
Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai minh bạch cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhiều thủ tục như đăng ký kinh doanh, cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ được rút ngắn tối đa thời gian; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, xử lý tồn tại các dự án chậm tiến độ, kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai giao cho dự án khác có năng lực. Cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành công nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao; xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phú Thọ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tập trung nâng cấp, hoàn thiện giáo trình, cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo. Tỉnh bổ sung, hoàn thiện các cơ chế khuyến khích phát triển nguồn nhân lực; giao quyền tự chủ từng phần cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mở rộng sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, phát triển sản phẩm đặc sản, cây trồng có giá trị kinh tế cao; khuyến khích phát triển trang trại, gia trại; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất, hoặc đầu tư vào nông nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, Phú Thọ tập trung huy động mức cao nhất các nguồn lực đầu tư, ưu tiên cho đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, đặc biệt là các dự án giao thông tạo liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch, thông tin truyền thông. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những giải pháp trên, Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm trở lên. Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm từ 82% trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,8 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 190 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên.
Đến năm 2025, Phú Thọ trở thành một trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; là thành phố hiện đại, thông minh, địa chỉ hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên. Đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thành phố Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, địa danh mang tính biểu tượng hội tụ tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.