Tham dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố...
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại tỉnh Nghệ An (điểm cầu trung tâm), kết hợp trực tuyến tới khoảng 30 điểm cầu cấp huyện, đảng ủy trực thuộc, 625 điểm cầu cấp xã, chi bộ trực thuộc Đảng ủy trên địa bàn tỉnh.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nhằm phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 39-NQ/TW đến các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương, các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Phấn đấu là tỉnh phát triển nhanh, bền vững
Giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết 39 - NQ/TW, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, về quan điểm, mục tiêu, Bộ Chính trị đã nêu rõ 5 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn với nhiều điểm mới để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Nghệ An trong trung và dài hạn.
Theo đó, đến năm 2030, Nghệ An phát triển thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực có thế mạnh. Phấn đấu đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Nghị quyết đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện và có nhiều điểm mới so với các nghị quyết về phát triển Nghệ An trước đó như: Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển mạnh mạng lưới đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số. Tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo. Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 39 - NQ/TW phát huy hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống, Bộ Chính trị đã phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết; chủ động phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện đầy đủ 5 quan điểm, 2 mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Nhất là việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bộ Chính trị cũng phân công Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường lãnh đạo, vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Nghệ An. Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc tuyên truyền và quán triệt thực hiện Nghị quyết.
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, một số tỉnh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tại Nghệ An đã phát biểu tham luận về các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW. Các ý kiến đều khẳng định, Nghị quyết 39 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của Nghệ An, mà còn đối với cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và và duyên hải Trung Bộ.
Phát triển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Phát triển tỉnh Nghệ An cần đặt trong tổng thể phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ cũng như của cả nước. Từ đó tạo ra sự cộng hưởng, tạo động lực mới cho phát triển tỉnh, đồng thời góp phần phát triển vùng trong giai đoạn mới. Các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết với tỉnh Nghệ An trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là hai địa phương liền kề là tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hà Tĩnh.
Tỉnh Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kiên trì định hướng phát triển nhanh và bền vững, dựa nhiều hơn vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dịch vụ giá trị gia tăng cao để bắt nhịp được với xu hướng phát triển chung của cả nước, khu vực và thế giới; tận dụng được lợi thế người đi sau, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Tỉnh phát triển mạnh, bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển; phát huy vai trò lan tỏa của dải động lực phát triển ven biển gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị, tỉnh tổ chức, sắp xếp lại không gian lãnh thổ các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đảm bảo liên kết tổng thể giữa các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội liên huyện trên phạm vi toàn tỉnh; phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và khu vực phát triển như mở rộng thành phố Vinh, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, tiếp tục đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển, đường cao tốc, cảng hàng không, hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gồm Hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48...
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai lưu ý, phát triển tỉnh Nghệ An vừa phải đảm bảo toàn diện, vừa phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, biển, đảo; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển; đầu tư phát triển nhanh và đột phá vùng phía Đông để thúc đẩy phát triển bền vững vùng phía Tây; tiếp tục đầu tư để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm của vùng về kinh tế và văn hóa; gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; đặc biệt phải chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định...
Để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An; nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển tỉnh Nghệ An với phát triển vùng và phát triển chung của cả nước; nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Nghị quyết. Xác định rõ xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, đồng thời là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương cần khẩn trương ban hành Chương trình hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với tình hình Nghệ An, của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc. Ngoài sự nỗ lực của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng cần thực sự quan tâm hỗ trợ Nghệ An, coi đây là tình cảm, là trách nhiệm đối với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đối với tỉnh Nghệ An, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng của cấp mình, địa phương mình; cần khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tính chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của nhân dân để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Đồng thời, tỉnh cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, để thúc đẩy cùng nhau phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng để vượt qua những khó khăn, thách thức và phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế to lớn vốn có của địa phương.
Tỉnh Nghệ An cần tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ với tư duy đổi mới và sáng tạo. Tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Thường trực Ban Bí thư giao Ban Kinh tế Trung ương làm đầu mối, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thông qua việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát kịp thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết phù hợp nhằm thực hiện thành công Nghị quyết.