Trong số đó, đáng chú ý, nguồn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ vốn giải ngân thấp nhất với chỉ gần 102 tỷ đồng, bằng khoảng 25% so với kế hoạch được giao.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm nay đạt thấp do có nhiều khó khăn và vướng mắc. Đáng quan tâm là các quy định đề ra trong chương trình mục tiêu quốc gia chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.
Ví dụ, dự án 2 của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo ở tỉnh Quảng Bình trong việc triển khai thực hiện gặp khó khăn vì hiện nay, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, không có lực lượng lao động nên không thể tham gia vào dự án. Hay như dự án 4 của chương trình về phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, theo quy định đối tượng thực hiện dự án là hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong khi đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động ở trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn là người yếu thế, người già nên nhu cầu học nghề không nhiều. Do vậy, đổi tượng đủ điều kiện tham gia đào tạo ít dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp.
Còn đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, định mức vốn đầu tư phát triển hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ là thấp so với đơn giá trên địa bàn tỉnh nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định về hỗ trợ nhà, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, trong khi để xây dựng được một căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Bình cần ít nhất khoảng từ 90 - 120 triệu đồng.
Cùng với Quảng Bình còn có 9 tỉnh khác cũng trong hoàn cảnh khó khăn, vướng mắc khi giải ngân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 với tỷ lệ đạt thấp chưa đến 50% so với kế hoạch.
UBND tỉnh Quảng Bình đã có kiến nghị về cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… nhằm giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia từ nay cho đến những năm tiếp theo.