Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ 9 tháng qua và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy được trình tại hội nghị lần này.
Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ quan điểm phát triển của tỉnh trong thời gian tới là sẵn sàng chuyển sang trạng thái mới trong sản xuất, giữ khoảng cách an toàn; áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động; làm tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh tiếp tục nâng cao ý thức cộng đồng, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo sự nhận thức nhất quán từ tỉnh đến cơ sở, quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua. Đồng thời, nắm bắt tốt cơ hội để đưa Quảng Nam phát triển dựa trên sự tranh thủ hiệu quả sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư và nguồn nhân lực từ các địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh, các nội dung được trình tại hội nghị lần này là những vấn đề hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đến việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm: phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ then chốt: tổ chức, xây dựng Đảng. Những vấn đề này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Theo báo cáo đánh giá của tỉnh Quảng Nam, tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến hết tháng 6/2021 có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7/2021 đến nay, do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và các địa phương trên địa bàn nên tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh chậm lại.
Tình hình dịch bệnh kéo dài đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm hoặc luân phiên lao động để duy trì hoạt động, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ; chỉ số tiêu thụ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và chưa có dấu hiệu phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn hơn 410 nghìn lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ; doanh thu lưu trú đạt gần 220 tỷ đồng, giảm 67,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành giảm 82,4%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao. Chăn nuôi phát triển; tổng đàn lợn tăng 20,2% so với cùng kỳ. Sản xuất nuôi trồng thủy sản phát triển tương đối ổn định, tổng sản lượng thủy sản tăng 2,9 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Nhờ vậy, lũy kế đến 20/9, tổng thu ngân sách nhà nước hơn 14.795 tỷ đồng, bằng 76% dự toán và tăng 44% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa 13.037 tỷ đồng, bằng 81% dự toán năm và tăng 57%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 23 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong việc triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 24/9, toàn tỉnh đã giải ngân 3.479,7 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 48,5% kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập mới 885 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 6,4 nghìn tỷ đồng; 630 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, tăng 44,5%; cấp mới 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 14,7 triệu USD.
Tỉnh Quảng Nam hiện đang tập trung một số giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 23/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; trong đó, cần linh hoạt triển khai các giải pháp đảm bảo thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn với cách làm, phương án chống dịch phù hợp, hiệu quả trên tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết; chỉ đạo thực hiện chu đáo, kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định.
Tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
Quảng Nam tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong giải quyết công việc; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhằm huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; hoàn chỉnh phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm (2022-2024).
Tỉnh Quảng Nam chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết bất thường trong mùa mưa, lũ năm 2021; trong đó, tập trung rà soát lại các khu tái định cư, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, gia cố các công trình giao thông; lưu ý đến công tác phòng, tránh lũ ống, sạt lở đất. Tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...