Quảng Nam: Sạt lở bờ biển Tam Hải chưa có dấu hiệu dừng lại

Mưa to và sóng biển mạnh kéo dài trong mấy ngày qua đã làm cho bờ biển xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền.

Chú thích ảnh
Bờ biển Cửa Lở tiếp tục bị sạt lở. Ảnh: baoquangnam.vn

Nhiều tuyến bờ kè tạm của người dân dựng lên để nuôi trồng thủy sản bị triều cường và sóng biển gây hư hại nặng, nhiều hồ nuôi tôm bị sóng biển san phẳng. Người dân nơi đây sống trong cảnh thấp thỏm lo âu khi sóng biển liên tiếp lấn sâu vào đất liền.

Sóng biển đánh khiến bờ biển khu vực Cửa Lở thuộc thôn 4, thôn 6, thôn Thuận An tiếp tục bị sạt lở sâu vào đất liền kéo dài hơn 1 km. Hiện tại, ở khu vực Cửa Lở, nước biển chỉ còn cách khu dân cư chưa đến 200 mét. Sóng biển và triều cường tiếp tục ăn sâu vào đất liền, nhiều khả năng tiếp tục làm cho hàng chục hồ nuôi tôm của người dân xã Tam Hải bị thiệt hại nặng. Nhiều điểm bị sóng biển khoét sâu vào lòng đất, tạo ra những hàm ếch, sâu từ 3-5m, kéo dài hơn 1 km.

Người dân sống ở đây cho biết, khu vực Cửa Lở bị sạt lở liên tục trong nhiều năm qua nhưng nặng nhất là sau các trận bão lũ năm nay. Tình trạng sạt lở nặng đã khiến hàng chục hộ dân ở thôn Tân Lập buộc phải di chuyển đến nơi ở khác, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Ông Phạm Văn Huy, người dân thôn Tân Lập, xã Tam Hải, cho biết, không riêng gia đình ông bị thiệt hại hàng tỷ đồng, nhiều người dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực này đã bị thiệt hại nặng do nạn sạt lở bờ biển gây ra. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp lại do bị sóng biển cuốn trôi. Mỗi đợt mưa bão, bờ biển Cửa Lở lại bị xâm thực sâu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ trực tiếp đe dọa hàng loạt ao hồ nuôi trồng thủy sản, sóng biển còn uy hiếp thắng cảnh Bàn Than, địa điểm du lịch nổi tiếng với những bãi đá, rạn san hô đẹp thu hút rất nhiều du khách. 

Trước mỗi mùa mưa bão đến, chính quyền luôn hướng dẫn bà con chèn, chống nhà cửa, gia cố bờ ao nuôi tôm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời. Người dân và chính quyền địa phương đều mong muốn Nhà nước tiếp tục xây dựng các tuyến đê kè chắn sóng để vừa bảo vệ đất đai, tài sản, vừa yên tâm sinh sống. 

Ông Đặng Quốc Oanh, thôn Tân Lập, xã Tam Hải, lo lắng nói: “Tình trạng sạt lở bờ biển xã đảo Tam Hải năm nay diễn ra rất nhanh. Riêng tại thôn Tân Lập là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của triều cường và sóng biển, bà con rất lo sợ vì không chỉ các ao hồ nuôi trồng thủy sản có thể bị cuốn trôi, mà ngay cả nhà ở cũng bị đe dọa vì không biết sóng biển có thể ập vào lúc nào”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) Nguyễn Tấn Hùng cho biết: Trước diễn biến ngày càng khốc liệt của tình trạng sạt lở do sóng biển và triều cường gây ra, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cơ quan cấp trên khảo sát và xây dựng công trình chống sạt lở tổng thể để người dân được an toàn. Thực tế cho thấy, ở những khu vực được xây kè chắn sóng kiên cố, nạn sạt lở bờ biển đã giảm hẳn, còn những khu vực chưa được xây kè, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn và không có dấu hiệu dừng lại, người dân còn phải tiếp tục sống trong lo âu trong mỗi mùa mưa bão.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Xây dựng kè ngầm phá sóng để phòng chống sạt lở bờ biển Hội An
Xây dựng kè ngầm phá sóng để phòng chống sạt lở bờ biển Hội An

Trước thực trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng trong 10 năm trở lại đây làm hư hại nhiều công trình, cảnh quan bờ biển, để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân, ngày 19/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác xử lý chống sạt lở bờ biển Hội An thời gian qua; triển khai các giải pháp thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN