Đây là kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy Quảng Nam (khóa XXI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021.
Để đạt được kết quả trên, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, các cấp, ngành đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, thực hiện quyết liệt, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được đưa vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý. Do đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, kể cả vụ việc, vụ án tồn đọng, kéo dài từ những năm trước.
Trong 5 năm, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 3.720 lượt tổ chức Đảng và 10.359 lượt đảng viên; giám sát 2.906 lượt tổ chức Đảng và 6.085 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa, hạn chế khuyết điểm của tổ chức Đảng, đảng viên; đồng thời, phát hiện, xem xét, xử lý kỷ luật 46 tổ chức Đảng và 1.849 đảng viên vi phạm, trong đó, xử lý kỷ luật 39 đảng viên vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho biết, từ năm 2017 đến nay, Thành ủy, cấp ủy cơ sở, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát đối với 860 tổ chức Đảng và 780 đảng viên trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng.
Qua thông tin của Công an và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tam Kỳ kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 15 đảng viên, 2 chi bộ. Kết quả, phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, chuyển 7 đảng viên cho cơ quan Công an thành phố điều tra; đình chỉ sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ đối với 15 đảng viên để phục vụ công tác điều tra.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật về chính quyền đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm. Cụ thể, xử lý kỷ luật 12 công chức, trong đó chuyển vị trí công tác đối với 3 trường hợp; thực hiện nghiêm việc không bố trí những người có quan hệ gia đình làm việc cùng một nơi, cùng một công việc dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá, vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đề cao. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Nghị quyết số 10 trong chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm. Nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vấn đề bức xúc cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý đã phát huy tinh thần trách nhiệm, quan tâm, chú trọng hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường giáo dục, quản lý cán bộ, công chức, viên chức giữ gìn đạo đức, lối sống, chống các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.
Thời gian qua, công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Ban Thường Tỉnh ủy kịp thời đưa các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, kể cả vụ việc trị an xã hội rất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý.
Nhìn nhận các mặt còn hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 10, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng, các trường hợp tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở một số ngành, địa phương, tập trung một số lĩnh vực như: Quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, bảo hiểm y tế, sử dụng ngân sách Nhà nước, mua sắm, mua bán, chuyển nhượng tài sản công... Tính chất, mức độ tham nhũng, lãng phí có biểu hiện phức tạp, thủ đoạn tinh vi và liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều cấp, thời gian xảy ra dài nên việc đấu tranh, phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn.