Quảng Ngãi nỗ lực xóa nhà tạm, giúp người dân thoát nghèo bền vững

Quảng Ngãi là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thời gian qua, từ nhiều nguồn lực, tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hàng ngàn ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Địa phương đang nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trong năm 2025 để hộ nghèo, cận nghèo có mái ấm an toàn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo Lâm Công Dũng, 53 tuổi, tại Thôn Đồng Hộ An Hải, huyện Lý Sơn. Ảnh: TTXVN

Niềm vui an cư trong những ngôi nhà mới

Cuối tháng 9/2024, gia đình ông Lâm Công Dũng (53 tuổi, thôn Đồng Hộ An Hải, huyện Lý Sơn) đã dọn vào ở ngôi nhà mới sau gần 4 tháng thi công. Ngôi nhà của gia đình là nhà “Đại đoàn kết”, có diện tích 70m2, tường xây, nền lát gạch men, mái lợp tôn, tổng kinh phí xây dựng 300 triệu đồng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội hỗ trợ 50 triệu đồng; cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn hỗ trợ ngày công; phần kinh phí còn lại là gia đình đóng góp.

Ông Dũng cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Vợ mất năm 2023, ông cùng 5 người con ở trong ngôi nhà tạm đã xây dựng trước đó hàng chục năm, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão. “Gia đình tôi có tích góp được một ít tiền nhưng nhiều năm qua không thể xây được nhà vì kinh phí mua vật liệu, ngày công làm nhà trên đảo rất lớn. Mong ước có một ngôi nhà mới an toàn cho các con ở từ lâu nay đã thành hiện thực. Mùa mưa này, gia đình tôi không còn phải đi nơi khác tránh mưa, bão nữa” - ông Dũng vui mừng chia sẻ.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Ngãi có 21.1 hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt 2 chỉ số (chất lượng, diện tích) về nhà ở. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 7.000 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, 4.281 nhà ở được hỗ trợ từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, Mặt trận các cấp, Hội đoàn thể trong tỉnh đã huy động kinh phí xã hội hóa để sửa chữa, xây dựng nhà ở cho 2.721 hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng. Nhờ đó đã có 2.000 hộ nghèo, cận nghèo chăm lo gây dựng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tự sửa chữa, xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống.

Còn gần 8.000 nhà tạm cần sửa chữa, xây dựng

Huyện Trà Bồng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối năm 2023 là gần 30%. Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh cho biết, ngoài nhà ở đã được bố trí vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ nay đến hết năm 2025, địa phương có gần 700 nhà tạm, dột nát của hộ nghèo, cận nghèo cần được xây dựng.

Chú thích ảnh
Nhà ở của ông Trương Văn Nam (hộ nghèo) sinh năm 1965, thôn Bình Tân, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng đã xuống cấp cần được xây mới. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Theo ông Trần Hoàng Vĩnh, việc hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở kiên cố sẽ góp phần rất lớn trong thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo xuống còn 20,19% vào cuối năm 2024. Để việc hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo tiêu chí 3 cứng của Bộ Xây dựng, cấp trên cần xem xét nâng mức hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo bởi mức hỗ trợ hiện nay 20 triệu đồng và 40 triệu đồng là quá thấp...

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa phương hiện còn 4.008 nhà ở của hộ nghèo, cận nghèo đã được bố trí vốn từ hai Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ hoàn thành sửa chữa, xây mới trong năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh còn gần 8.000 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở. Trong đó có 4.161 hộ nghèo, cận nghèo chưa có nhà ở, nhà tạm, dột nát; 3.704 hộ nghèo cần xây dựng, sửa chữa nhà ở khu vực nông thôn và khu vực thường xuyên bị lũ lụt.

Chú thích ảnh
Nhà ở của ông Trương Văn Nam (hộ nghèo) sinh năm 1965, thôn Bình Tân, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng đã xuống cấp có nguy cơ đổ sụp cần được hỗ trợ xây mới. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, hưởng ứng Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, đột nát đến năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-UBND, ngày 23/7/2024 về kế hoạch xóa nhà tạm, dột nát ở tỉnh. Quảng Ngãi đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; đồng thời hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.

Để đạt mục tiêu trên, Quảng Ngãi tiếp tục huy động các nguồn lực từ Quỹ vì người nghèo, Quỹ chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm dột nát; tiếp nhận tấm lòng của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tự ý thức, nỗ lực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà ở.

“UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh xóa nhà tạm, dột nát do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Các địa phương cấp, huyện, xã sẽ thành lập Ban Chỉ đạo với mục tiêu đến cuối năm 2025 Quảng Ngãi sẽ xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo” - ông Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh.

Phạm Cường (TTXVN)
Xóa nhà tạm: Ấm lòng những ngôi nhà Đại đoàn kết
Xóa nhà tạm: Ấm lòng những ngôi nhà Đại đoàn kết

Từ các chương trình hỗ trợ nhà ở, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhà ở ổn định, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN