Anh Trần Ngọc Sang (sinh năm 1980, xã Ba Động, huyện Ba Tơ) từng đi lao động theo hợp đồng tại Hàn Quốc 9 năm. Theo anh Sang, công việc ở nước ngoài tuy vất vả nhưng có thu nhập cao. Kết thúc hợp đồng lao động trở về quê, anh Sang đã có nguồn vốn để đầu tư làm ăn. Anh Sang đã mở tiệm cắt tóc và buôn bán cây cảnh. Cuộc sống của gia đình anh khá ổn định. Anh Sang cho biết, bản thân chỉ học hết THPT, nếu không chọn đi làm việc tại nước ngoài mà ở lại quê hương làm lao động phổ thông, chắc chắn bây giờ không thể có một số tiền lớn để làm vốn. Cũng chính vì thấy đi lao động nước ngoài cho hiệu quả kinh tế, kết thúc 3 năm hợp đồng ban đầu, anh tiếp tục gia hạn thêm.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp huyện Ba Tơ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Các cấp ủy đảng, các hội, đoàn thể của huyện đã và đang tập trung tuyên truyền để người lao động mạnh dạn đăng kí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhờ đó, thời gian gần đây, nhiều thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký học tiếng để đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng.
Anh Phạm Văn Trờ (sinh năm 1989), xã Ba Thành là một trong số 17 người của huyện Ba Tơ sẽ xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản trong tháng 10/2023. Anh Trờ cho biết, từng tốt nghiệp Đại học, do không có việc làm ổn định, anh quyết định đi lao động nước ngoài để học hỏi, nâng cao thu nhập, giúp gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Được sự vận động của chính quyền địa phương, đồng thời tìm hiểu những người từng đi lao động tại nước ngoài về thấy họ tích lũy được vốn để làm ăn nên tôi đã chọn đăng ký đi Nhật Bản. Hy vọng qua bên đó, mọi việc thuận lợi, tôi vừa có tiền trang trải cuộc sống, vừa có tích lũy gửi về quê cho gia đình”, anh Trờ chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, nhờ có chương trình đưa người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhiều gia đình trên địa bàn huyện đã có tiền để sửa sang, xây dựng nhà cửa, mua nhiều đồ dùng sinh hoạt và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thay đổi cuộc sống. UBND huyện chủ trương lấy những trường hợp cụ thể để làm công tác tuyên truyền. Nhờ đó, việc vận động trở nên dễ dàng hơn, ngày càng có nhiều người đăng ký đi làm việc tại nước ngoài hơn.
Hiểu được tâm lý của người đồng bào dân tộc thiểu số là ngại đi xa, ngại giao tiếp, quen với việc làm nông nghiệp thuần túy theo mùa vụ, sợ chi phí xuất cảnh cao, UBND huyện Trà Bồng đã chỉ đạo các phòng, ban, hội, đoàn thể, địa phương thành lập các đoàn để đến từng hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước, của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ thanh niên là người đồng bào dân tộc thiếu số, vùng miền núi đi làm việc ở nước ngoài.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương cho hay, huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho thanh niên để chính họ - những người sẽ trực tiếp đi lao động thay đổi nhận thức trước, sau đó là tuyên truyền cho bố mẹ mình. Khi hiểu được lợi ích của việc đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng, họ sẽ mạnh dạn đăng ký. Theo thống kê, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, huyện Trà Bồng đã có 57 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và hiện có 45 em đang học tiếng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tập trung triển khai thực hiện dự án bốn Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Trong đó có tiểu dự án hai về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mục tiêu trong năm 2023 này, tỉnh Quảng Ngãi đưa khoảng 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, riêng các huyện miền núi là 300 lao động.
Ông Võ Duy Yên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, để đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, tư vấn cho lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Sở liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh đúng quy định, nhanh chóng, thuận lợi.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, công tác tuyên truyền là quan trọng nhất để người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi hiểu rõ về chương trình đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, không chỉ thông qua các sàn giao dịch việc làm, các buổi hướng nghiệp cho học sinh, chúng tôi phối hợp với các địa phương, các hội đoàn thể để đến tận cơ sở, tận các thôn, bản để tuyên truyền. Nhờ đó, tính đến ngày 30/9/2023, tại 5 huyện miền núi, 109 người đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng, có 39 người đang chờ ngày xuất cảnh ”, ông Võ Duy Yên cho hay.
Những chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã giúp người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người lao động là dân tộc thiểu số có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều người lao động khi hết hạn hợp đồng về nước lại tiếp tục tham gia vào thị trường lao động tại địa phương với ý thức, trách nhiệm và kỹ năng tay nghề cao. Người lao động không chỉ thoát nghèo mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân trong gia đình, đầu tư sản xuất kinh doanh.