Ông Đông nhấn mạnh, việc tái đàn lợn sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi ở mức cao nhất.
Chi cục trưởng Chi chục Chăn nuôi và Thú y cũng khuyến cáo, các cơ sở chăn nuôi nên sử dụng con giống tại chỗ, giống tốt không bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua. Trường hợp nếu phải mua giống ngoài, lợn giống phải được kiểm dịch chặt chẽ.
Quảng Ninh sẽ kiên quyết không thực hiện hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với cơ sở chăn nuôi không đăng ký, kê khai chăn nuôi và tái đàn khi chưa được UBND cấp xã cho phép. Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm; quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường, gây lây lan dịch bệnh.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự án khôi phục, bảo tồn giống lợn Móng Cái để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về nguồn giống cho các hộ nuôi, đảm bảo sử dụng nguồn giống chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Từ đó, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, hướng tới việc tái đàn an toàn, ổn định nguồn thực phẩm cung ứng trong tỉnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có 5.508 hộ thực hiện tái đàn lợn, chiếm khoảng 35% số hộ có lợn chết bởi dịch tả lợn châu Phi. Việc tăng đàn chủ yếu ở các hộ, gia trại, trang trại chủ động được nguồn giống với số lượng 93.795 con, tăng 55% so với tháng 12/2019. Đến hết giữa tháng 6/2020, tổng đàn lợn của cả tỉnh là 265.200 con; trong đó, lợn nái các loại gần 25.000 con, đực giống 535 con, lợn thịt 240.665 con.
Sau 5 tháng cơ bản được khống chế, từ giữa tháng 5/2020 trở lại đây, dịch tả lợn châu Phi quay lại ở 62 hộ thuộc 7/13 địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, dịch xuất hiện chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ bị 2-3 con, do người chăn nuôi mua giống không rõ nguồn gốc. Các địa phương đã kịp thời khoanh vùng, tiêu hủy số lợn nhiễm nên chưa xuất hiện ổ dịch lớn.