Với việc chủ động tạo vùng xanh an toàn, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh dần được mở cửa và hoạt động trở lại đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong bối cảnh tình hình COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chủ động thông tin, khuyến cáo tới các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp về tình hình xuất nhập hàng hoá nông, lâm, thuỷ, hải sản sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu của Quảng Ninh; thực hiện các biện pháp bảo quản, tiêu thụ, điều tiết hàng hóa xuất khẩu, tình hình hoạt động của các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh.
Riêng thành phố Móng Cái, chính quyền thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gắn với hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp với chính sách của phía Trung Quốc. Thành phố đã chủ động phương án xây dựng, giữ vững “vùng xanh” an toàn cho khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới, thích ứng với công tác phòng chống dịch của cả 2 quốc gia Việt Nam và Trung Quốc.
Cùng với đó, thành phố cũng thường xuyên trao đổi, hội đàm với chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo niềm tin, cùng hợp tác sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Thành phố Móng Cái đã yêu cầu lực lượng công tác tại cửa khẩu, cũng như tất cả người lao động, công nhân bốc xếp, lái xe trung chuyển, đại lý làm thủ tục hải quan khi vào khu vực cửa khẩu, lối mở phải đảm bảo đủ các điều kiện: Có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong 48 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu, thực hiện test nhanh kháng nguyên tự trả phí tại khu vực cổng kiểm soát mỗi lần vào, đã tiêm đủ từ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trở lên; ăn nghỉ tập trung khép kín theo chu kỳ 15 ngày/đợt trong khu vực cửa khẩu; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và khử khuẩn phương tiện, hàng hóa trước khi xuất khẩu.
Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu qua lối mở km3+4 Hải Yên, cửa khẩu Bắc Luân 2 và cửa khẩu Ka Long của thành phố Móng Cái được mở lại, hoạt động thông quan hàng hóa được trở lại bình thường, khắc phục triệt để tình trạng hàng hóa bị ùn tắc ở khu vực cửa khẩu biên giới.
Theo nhận định của các cơ quan quản lý nhà nước, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam, tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách “Zero-COVID năng động”, ngày càng quy định chặt chẽ và có yêu cầu cao hơn về các mặt hàng nhập khẩu từ các nước; trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 và những năm tiếp theo, về lâu dài, Việt Nam cần những giải pháp thích nghi, phù hợp với những quy định mới của Trung Quốc; trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ đảm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.