Năm 2021, Quảng Ninh phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước so với dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, ước cả năm sẽ đạt 51.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 17/10, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt trên 34.249 tỷ đồng, bằng 66% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa đạt 26.847 tỷ đồng, bằng % dự toán; thu xuất nhập khẩu đạt trên 7.401 tỷ đồng bằng 62% dự toán.
Trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng thu nội địa không kể tiền đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp phấn đấu đạt thấp nhất 8%/năm. Quảng Ninh tiếp tục đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh trong hệ thống ngân sách chính quyền địa phương, phù hợp với phân cấp và tỷ lệ phần trăm điều tiết của ngân sách Trung ương cho địa phương. Khích lệ những địa phương nào đủ điều kiện phấn đấu tự chủ tài chính.
Trên cơ sở sử dụng tiết kiệm nguồn lực để ưu tiên vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể. Ngoài các công trình Đại hội Đảng bộ tỉnh quyết nghị, Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực thực hiện các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế số, xã hội số và chính quyền số và môi trường.
Đồng thời, đảm bảo chống dịch trong mọi tình huống và 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là đột phá về xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; tiếp tục thúc đẩy hợp tác công – tư trên cơ sở ngân sách đầu tư đúng hướng tạo động lực thu hút đầu tư tư.
Tỉnh cũng phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, quyết liệt cơ cấu thu ngân sách theo hướng chuyển dịch tích cực; đảm bảo cân đối vững chắc thu, chi ngân sách nhà nước địa phương; kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách được tăng cường.
Quảng Ninh đã thực hiện tăng thu triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, tháo gỡ các nút thắt, những điểm nghẽn để khơi thông, kết nối, tổ chức lại các nguồn lực phát triển theo mô hình lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo đột phá trong huy động hợp tác công – tư. Từ đó, huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ hoàn thành 3 dự án, công trình trọng điểm: cầu Cửa Lục 1, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và đường ven biển nối Hạ Long với Cẩm Phả.
Trong tháng 10 này, Quảng Ninh dự kiến sẽ khởi công 4 dự án trọng điểm, động lực phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư hơn 280.000 tỷ đồng, gồm: dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long xanh (thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên), sân golf Đông Triều (thị xã Đông Triều), nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (thành phố Cẩm Phả) và bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (thành phố Móng Cái).
Dự báo trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021 – 2025, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải, bán lẻ hàng hóa, nhà hàng khách sạn... Một số doanh nghiệp do khó khăn về tài chính chưa giải quyết; tiền thuế còn nợ đọng làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước của ngành thuế. Ngành than có đóng góp lớn cho số thu ngân sách nội địa của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn bởi bị phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, nhu cầu tiêu thụ than của các hộ lớn như nhiệt điện, xi măng giảm…