Theo đó, ngành Y tế Quảng Ninh sẵn sàng phương án thiết lập 4 bệnh viện chuyên thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Cụ thể, Bệnh viện số 1 (trưng dụng toàn bộ Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái) công suất 350 giường, sẽ thu dung bệnh nhân các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên.
Bệnh viện số 2 công suất 300 giường (trưng dụng toàn bộ Bệnh viện Phổi) thu dung bệnh nhân khu vực thành phố Hạ Long và toàn bộ ca bệnh nặng, nguy kịch trong toàn tỉnh.
Bệnh viện số 3 (trưng dụng toàn bộ Bệnh viện Đa khoa Hạ Long) công suất 250 giường, thu dung ca mắc tại các địa phương: Quảng Yên, Cẩm Phả, Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô.
Bệnh viện số 4 (Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí) chịu trách nhiệm thu dung khoảng 100 bệnh nhân tại thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí.
Toàn tỉnh đẩy mạnh tốc độ lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm, đa dạng hóa phương pháp xét nghiệm, trả sớm nhất kết quả phục vụ mục tiêu sàng lọc, khoanh vùng nhanh trong cộng đồng...Tỉnh thiết lập các khu cách ly theo khu vực với sự quản lý, theo dõi của chính quyền địa phương (cấp huyện) đảm bảo đủ năng lực thu dung, cách ly tập trung tối thiểu 50.000 người tại một thời điểm.
Để chuẩn bị cho phương án này, tỉnh Quảng Ninh đang củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống ô-xy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện được phân công thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị.
Quảng Ninh thực hiện việc mua, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.
Để chuẩn bị cho tình huống xuất hiện 1.000 ca mắc trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh yêu cầu, ngành y tế chủ động thành lập bộ khung vận hành của bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, tính toán phương án trưng dụng và có kế hoạch đào tạo nhân lực y tế ở cả khối tư nhân, Trường Cao đẳng Y tế, các đơn vị y tế ngành Than.
Các địa phương sẵn sàng kích hoạt phương án chuẩn bị 50.000 chỗ và dự trù cho 210.000 chỗ cách ly tập trung.
Tính đến nay, Quảng Ninh đã qua một tháng không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
*Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, sáng 28/7 tỉnh Thái Nguyên ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đây là các trường hợp F1 của bệnh nhân V.K.N (sinh năm 1990, trú tại xóm La Muôi, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 27/7.
Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên phối hợp với cơ quan chức năng huyện Phú Bình thực hiện khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1, F2 để cách ly y tế theo quy định; lập 9 chốt kiểm soát tại xóm La Muôi và La Tú, không cho người ra vào vùng dịch và phun thuốc khử khuẩn.
Tính đến 8 giờ ngày 28/7, lực lượng chức năng đã rà soát được 22 trường hợp F1 và đưa đi cách ly tập trung; lấy mẫu xét nghiệm F1 và toàn bộ người dân 2 xóm La Muôi, La Tú của xã Tân Khánh, với số lượng 2.556 mẫu. Đã có 912 mẫu có kết quả, trong đó 5 mẫu dương tính với SARS-CoV-2, 907 mẫu âm tính; 1.644 mẫu còn lại đang chờ kết quả.
Ủy ban nhân dân xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đã ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với xã Tân Khánh từ 0 giờ ngày 28/7/2021.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Nguyên ra công văn chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu UBND huyện Phú Bình xử lý kỷ luật theo quy định đối với cá nhân, tổ chức liên quan trong việc để xảy ra ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
*Ngày 28/7, Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Long Nguyễn Thị Tố Quyên cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại chợ đã ghi nhận 3 trường hợp mắc COVID-19 là người giao cá và người giao, vận chuyển rau củ, Ban Quản lý chợ đã quyết định tạm đóng cửa và dừng mọi hoạt động tại chợ Vĩnh Long từ 19 giờ ngày 27/7 để tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Trong thời gian này, Ban Quản lý chợ phối hợp ngành y tế truy vết, phân loại F1, F2 để cách ly theo quy định; tiến hành test nhanh đối với các tiểu thương còn lại, phun khử khuẩn toàn bộ chợ để đảm bảo an toàn khi chợ hoạt động lại.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, Sở cũng đã làm việc cùng chủ, quản lý hệ thống các cửa hàng, siêu thị, các chợ trên địa bàn để tăng nguồn cung ứng hàng hóa, góp phần đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân.
Chợ Vĩnh Long là chợ lớn nhất tỉnh với khoảng 2.000 tiểu thương hoạt động. Trước đó, thực hiện công tác phòng, chống dịch, Ban Quản lý chợ đã yêu cầu 800 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tạm ngưng hoạt động; một số tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu nhưng nhỏ lẻ cũng chủ động tạm ngưng kinh doanh để đảm bảo an toàn. Hiện, chợ còn hơn 500 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu duy trì hoạt động để cung ứng lượng hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách.