Ngoài nguồn vốn Trung ương đạt cao hơn so với cùng kỳ, thì nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đều thấp. Hiện tỷ lệ giải ngân vốn cấp tỉnh mới đạt 21% kế hoạch đã phân khai; cấp huyện mới đạt 30,5% kế hoạch phân khai.
Cụ thể, vốn cấp tỉnh hiện có 4 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình, bao gồm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh là 27,8%; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là 15,5%; Công an tỉnh 9,5%; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 26,1%. Cá biệt vẫn còn 2 chủ đầu tư vốn ngân sách tỉnh chưa thực hiện giải ngân là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Trường Đại học Hạ Long.
Đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện, hiện có đến 9/13 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn của tỉnh, gồm: Đầm Hà 19%, Hải Hà 13,9%, Đông Triều 15,7%, Uông Bí 23%, Cẩm Phả 20,5%, Vân Đồn 27,6%, Cô Tô 24,9%, Bình Liêu 24,6%, Tiên Yên 21,2%.
Hiện nguồn vốn kéo dài của tỉnh mới đạt 18,5% kế hoạch, trong đó vốn kéo dài ngân sách tỉnh đạt 20% kế hoạch, cấp huyện đạt 13% kế hoạch. Một số dự án có kế hoạch vốn kéo dài lớn nhưng tỷ lệ giải ngân lại thấp.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được các sở, ngành, chủ đầu tư, địa phương lý giải là do thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, giải phóng mặt bằng, xử lý tài sản công, đấu giá thu tiền sử dụng đất; tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, kỹ thuật trong thực thi nhiệm vụ; thủ tục đầu tư kéo dài, liên quan đến nhiều ngành nhưng chưa được giải quyết quyết liệt.
Để khắc phục tình trạng trên, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; rà soát, báo cáo cụ thể về UBND tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023, từ đó điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công.
Cùng với đó, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân. Đồng thời, thu hồi vốn tạm ứng, phát huy vai trò của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.