Đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2020, Hướng Hóa là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất ở tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là về người.
Theo đó ở địa phương này xảy ra liên tiếp những vụ sạt lở đất kinh hoàng làm hàng chục người chết, nhiều diện tích cây trồng, nhà ở và công trình bị vùi lấp, hư hỏng. Trong số 39 người chết do thiên tai ở Hướng Hóa vào tháng 10/2020 thì có hơn 30 người chết do sạt lở đất ở các xã: Hướng Phùng 22 người, Húc 6 người, Hướng Việt 4 người. Nguyên nhân trực tiếp khiến sạt lở đất liên tiếp xảy ra là do mưa quá lớn và dài ngày làm phá vỡ kết cấu đất đá ở những quả đồi, trong khi việc dự báo sạt lở đất vô cùng khó khăn.
Hướng Việt là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề bởi lũ quét và sạt lở đất vào tháng 10 năm ngoái. Lũ quét cùng sạt lở đất đã vùi lấp hàng loạt ngôi nhà, trường học, trạm y tế, công sở cùng nhiều diện tích cây trồng. Đặc biệt sạt lở đất đã khiến xã Hướng Việt bị cô lập hoàn toàn. Nguyên nhân là do xã Hướng Việt nằm giữa một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi. Khi có mưa lớn dài ngày, lũ quét cuốn theo đất đá bị sạt lở từ những dãy núi chảy về khu vực trung tâm của xã.
Núi Ka Lóc nằm phía sau thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt vẫn còn nhiều vết sạt lở có thể nhìn thấy từ xa. Già làng Hồ Văn Phức, thôn Xa Đưng cho biết, những căn nhà bị vùi lấp trong đất đá do mưa lũ hồi tháng 10/2020 đã được chính quyền hỗ trợ xây dựng lại. Tuy nhiên bà con trong thôn vẫn lo lắng núi Ka Lóc còn nguy cơ sạt lở, trong khi mùa mưa lũ đã cận kề.
Huyện Hướng Hóa có 15 xã nằm trong vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét với 1.034 hộ sinh sống; 14 xã thuộc vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở đất với 746 hộ sinh sống. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa, huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương hoàn thiện khu tái định cư để di dời dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm nay.
Để ứng phó với các điểm sạt lở đất ở xã Hướng Việt, tỉnh Quảng Trị đang đầu tư xây dựng khẩn cấp bờ kè, đồng thời xây dựng hệ thống nước sinh hoạt cho người dân với kinh phí 13,5 tỷ đồng; di dời dân sinh sống trong vùng có quy cơ cao sạt lở đất. Điển hình là di dời khẩn cấp 56 hộ dân với 271 khẩu ở các thôn Cuôi, Cha Lỳ và bản Cooc Long, xã Hướng Lập; 18 hộ dân ở các thôn Tà Rùng, Cu Dong, Ta Núp, xã Húc; 171 hộ sinh sống dưới núi Ta Bang thuộc thôn Ra Ly-Rào, xã Hướng Sơn. Huyện còn phân bổ gần 43 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại, tái thiết sản xuất và ổn định đời sống cho người dân; kêu gọi và hỗ trợ xây dựng trên 200 căn nhà cho các hộ di dời khỏi khu vực sạt lở với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Điểm mới ở mùa mưa lũ năm 2021 trên địa bàn huyện Hướng Hóa là có thêm nguy cơ sạt lở đất từ hàng chục dự án điện gió đang ồ ạt thi công, nhằm hoàn thành trước ngày 31/10/2021 để được hưởng các chính sách ưu đãi về giá điện. Để triển khai các dự án điện gió, chủ đầu tư phải chuyển đổi rừng, sau đó san ủi đất trên những quả đồi để tạo mặt bằng thi công, đồng thời mở đường để vận chuyển thiết bị. Đến nay tỉnh đã chuyển đổi khoảng 160 ha bao gồm rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất trống để triển khai các dự án điện gió. Vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở đất từ các dự án điện gió nằm trên địa bàn 6 xã ở huyện Hướng Hóa với 147 hộ dân sinh sống.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, rà soát vùng có nguy cơ sạt lở đất để lập kịch bản ứng phó, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện đến tận thôn, bản di dời dân khi cần thiết. Đơn cử là đã lập phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để di dời 65 hộ với hơn 300 nhân khẩu ra khỏi khu vực của Dự án điện gió Amaccao trên địa bàn xã Húc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBDN tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá qua kiểm tra việc chuyển đổi rừng, thu hồi đất ở các dự án điện gió cho thấy nguy cơ xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa ở bãi thải và đường thi công của các dự án. Do đó tỉnh đã chấn chỉnh và yêu cầu các chủ dự án điện gió hạ thấp bãi thải, đầu tư xây dựng kè, gia cố những vị trí có nguy cơ sạt lở. Tỉnh cũng phối hợp với các chủ dự án điện gió tiến hành trồng cây xanh để khôi phục thảm thực vật và chống sạt lở đất.