Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư công hơn 47.000 tỷ đồng cho các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bố, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Riêng năm 2023, vốn ngân sách Trung ương là trên 22.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 11.534 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 10.945 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bổ trên 11.200 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt 97,8%. 14/14 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng số trên 2.3 tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tính đến hết ngày 30/6/2023, lũy kế thanh toán kế hoạch của 3 chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc là trên 3.764 tỷ đồng, đạt 32,63% so với kế hoạch, cao hơn 4,43% so với trung bình cả nước. 14/14 địa phương đã thực hiện giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó Yên Bái thực hiện giải ngân 100%; Lào Cai, Hà Giang cũng thuộc nhóm đứng đầu với tỷ lệ giải ngân trên 65%.
Các địa phương đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021, 2022 và 6 tháng năm 2023. 100% địa phương trong vùng vượt tỷ lệ giảm nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đạt 25,69%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 17,35%. Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt bình quân 3,61%. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, bố trí di dời đạt 42,5/60% mục tiêu kế hoạch. Có 963/2.022 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 143 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thế Phước, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính giao kế hoạch vốn sự nghiệp hằng năm theo mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, không giao chi tiết cho từng tiểu dự án, dự án thành phần.
Trên cơ sở đó, giao các địa phương điều chỉnh linh hoạt vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương năm 2023 của các dự án thành phần trong nội bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở bảo đảm tổng mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, mở rộng đối tượng được hỗ trợ thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xem xét nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng từ mức 0,4 triệu đồng/ha/năm theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP lên mức 1,0 triệu đồng/ha/năm...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Dương Xuân Huyên, kiến nghị Chính phủ xem xét lại mục tiêu giao giảm nghèo hằng năm cho tỉnh (điều chỉnh từ 3%/năm xuống còn 2 – 2,5%/năm); xem xét ban hành các quy định cụ thể về việc cho phép thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện 3 chương trình; phân cấp cho phép các địa phương chủ động trong phân bổ nguồn vốn sự nghiệp trong thực hiện các nội dung của từng tiểu dự án…
Tại Hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và cho ý kiến đối với nội dung bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức ngày 10/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền quyết liệt thì nơi đó công việc được triển khai nhanh chóng, đạt kết quả cao.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời tăng cường học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; chú trọng đến công tác giám sát và thực thi.
Về triển khai nguồn vốn ngân sách đã được phân bổ, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải giải ngân hết nguồn vốn chuyển từ năm 2022 sang năm 2023 và phấn đấu giải ngân ít nhất 90% vốn của năm 2023.