Những ngày này, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk càng ý thức sâu sắc hơn về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ra sức thi đua, học tập, rèn luyện, chung sức đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng buôn làng giàu đẹp, phát triển.
Diện mạo “thay da đổi thịt”
Cách đây 120 năm, ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Từ ngày thành lập đến nay, Đắk Lắk trải qua nhiều chặng đường chuyển mình và phát triển cùng lịch sử dân tộc.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã đóng góp sức người, sức của, anh dũng chiến đấu, hy sinh trong bom đạn, trong đó có hơn 9.500 liệt sĩ, hơn 7.600 thương binh; 641 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong gần 50 năm qua, tỉnh đã cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Đại tá Đặng Đình Đường, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470, kể: Trong những năm kháng chiến gian khổ, người dân Tây Nguyên một lòng son sắt theo cách mạng, quân dân đoàn kết.
Sư đoàn 470 là đơn vị hậu cần trực tiếp cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch Tây Nguyên. Đơn vị đã mở những con đường bí mật xuyên rừng cho bộ đội ta và xe tăng tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột; đồng thời trực tiếp chiến đấu và tổ chức lực lượng tiếp quản thị xã.
Sau chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, ngoài lực lượng đi phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người lính Bộ đội cụ Hồ của Sư đoàn 470 tiếp tục bám trụ lại Tây Nguyên, hỗ trợ nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh.
“Ngày đó, vết tích chiến tranh để lại rất nặng nề, đường sá hư hỏng, khung cảnh hoang vu, nhân dân đói ăn, đói mặc. Đối diện với rất nhiều khó khăn, song Sư đoàn 470 đã nỗ lực giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống. Qua 50 năm, đến nay, đời sống đã “một trời, một vực” so với trước kia, đường sá đi lại thông thoáng, kinh tế phát triển và hội nhập, nhân dân có ăn, có mặc. Chứng kiến sự đổi thay qua gần nửa thế kỷ là cảm giác hạnh phúc xen lẫn bùi ngùi, xúc động”, Đại tá Đặng Đình Đường chia sẻ.
Tỉnh Đắk Lắk sau ngày giải phóng, khung cảnh đổ nát, hoang tàn, đời sống nhân dân cực khổ, đói cơm, lạt muối, rừng sâu nước độc, đường đi lại rất khó khăn. Tỉnh Đắk Lắk hôm nay, hệ thống điện - đường - trường - trạm y tế - thủy lợi được quan tâm đầu tư, kiên cố. Diện mạo nông thôn khởi sắc, thành thị khang trang. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ tỉnh thiếu lương thực, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã sản xuất được hơn 1,3 triệu tấn lương thực/năm. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2024 là 6,15%.
Đắk Lắk hiện đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên.
Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá của cả nước; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Giai đoạn 2021 - 2023, giá trị tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 172.659 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 74,7 triệu đồng/người. Cơ cấu các ngành kinh tế dịch chuyển tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các chương trình 134, 135, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới… đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho đời sống nhân dân, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp.
Bà Ksor Y Neh, xã Ea Kuếh, huyện Cư M’Gar phấn khởi chia sẻ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của 140 hộ dân trong buôn ngày càng đi lên. Đường sá đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Người dân chăm chỉ làm ăn, đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, biết trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng để phát triển kinh tế.
Là người có uy tín trong buôn, thời gian tới, bà Ksor Y Neh sẽ vận động nhân dân tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng buôn làng, bảo tồn văn hóa, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ và chia sẻ với nhau kinh nghiệm làm ăn.
Những ngày này, đi trong nắng mới, dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk thấy lòng phơi phới trước sự đổi thay, phát triển của quê hương. Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng và lòng yêu nước; trân trọng và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp; đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.
Phát huy truyền thống cách mạng
Để phát triển vùng Tây Nguyên, thời gian qua, Trung ương đã quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng. Đối với tỉnh Đắk Lắk, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quốc hội thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk…
Đây là những định hướng, căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai phát triển trong thời gian tới, kỳ vọng tạo được bước chuyển biến mới với nhiều đóng góp cho vùng và cả nước.
Theo anh Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE (MISS EDE), thời gian qua, tỉnh đã quan tâm thúc đẩy, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại là thế mạnh của tỉnh.
Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay là quỹ đất tập trung cho sản xuất không còn, doanh nghiệp gặp khó trong mở rộng phát triển. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ có thêm 2 khu công nghiệp xanh. Doanh nghiệp kỳ vọng sớm có thông tin, quy hoạch rõ ràng về các khu công nghiệp; đồng thời kiến nghị tỉnh có chính sách ưu tiên cho các ngành nghề thế mạnh, có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy nông sản chế biến chuyên sâu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà, cho biết, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cụ thể mục tiêu phát triển của tỉnh gắn với 5 đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Các nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch là: Sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn hướng tới các thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển mạng lưới đô thị, trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột…
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kết nối; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hài hòa.
Về giải pháp, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà, tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt, tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội hài hòa và tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Là người có nhiều đóng góp trong thời chiến và thời bình, ông Lê Chí Quyết, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Đắk Lắk, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc - sức mạnh nội sinh từ lòng dân. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh, tăng cường nâng cao năng lực của lực lượng ở cơ sở. Khi tổ chức Đảng ở cơ sở mạnh sẽ thúc đẩy phát triển về mọi mặt.
Với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 120 năm, với vị thế chính trị - xã hội hiện tại, đặc biệt, với tầm nhìn xa hơn trong tiến trình phát triển của tỉnh theo đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Đắk Lắk xác định, thời gian tới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.