Việc xây dựng mô hình này là một trong những nhiệm vụ cụ thể hoá chương trình chuyển đổi số thành phố, xây dựng thành công chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thành phố Hải Phòng trong thời gian tới. IOC Hải Phòng được sự phối hợp hỗ trợ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội cùng Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng Lương Hải Âu, IOC Hải Phòng được triển khai với kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, các cấp, ngành, cung cấp dịch vụ da dạng phục vụ đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Sau gần 3 tháng triển khai, các hệ thống giám sát được tích hợp vào Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Hải Phòng bao gồm: Hệ thống tổng hợp báo cáo kinh tế - xã hội; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống giám sát thông tin trên mạng; hệ thống camera an ninh tại quận Lê Chân; hệ thống thử nghiệm camera xử lý vi phạm giao thông; hệ thống giám sát tàu thuyền ra vào cảng; hệ thống phần mềm bản đồ dịch tễ COVID-19, tổng đài COVID; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành về y tế; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục; hệ thống luồng hàng hóa ra vào cảng của Cảng vụ Hải Phòng; hệ thống giám sát lưu lượng xe bus trên địa bàn thành phố Hải Phòng; hệ thống thông tin về phòng cháy chữa cháy, cảnh báo cháy nhanh.
Chức năng của Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thử nghiệm là thu thập số liệu từ các hệ thống thành phần (giám sát an ninh, giám sát trật tự đô thị, giám sát vi phạm giao thông, tích hợp các hệ thống y tế, giáo dục, quản lý tàu thuyền, luồng vào cảng, phản ánh hiện trường…) để thực hiện các tính năng khai thác nghiệp vụ tại trung tâm bao gồm: Tổng hợp thông tin, trực quan hóa số liệu trên màn hình giám sát; báo cáo, thống kê dữ liệu tổng hợp (theo mẫu định sẵn); kết xuất dữ liệu theo yêu cầu từ các đơn vị chuyên ngành (Công an, Giao thông, Cảng vụ, Y tế, Giáo dục, Thống kê...); quản lý nguồn lực, tài nguyên...
Trong quá trình triển khai, quy trình hoạt động của IOC Hải Phòng phải đáp ứng quy trình thực tiễn của địa phương; dữ liệu phục vụ cho tài nguyên xử lý quy trình phải sẵn sàng liên thông với các hệ thống công nghệ thông tin hiện có liên quan; đồng thời, đáp ứng khả năng kết nối với các hệ thống nghiệp vụ thành phần của các đơn vị.
Quá trình thử nghiệm IOC Hải Phòng đã được Cục Tin học hóa và Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, góp ý điều chỉnh.
Sau thời gian thử nghiệm, trên cơ sở đánh giá hiệu quả đạt được, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng trình UBND thành phố Hải Phòng đồng ý chủ trương cho phép triển khai chính thức để phục vụ công tác quản lý, điều hành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ đa dạng tiện ích phục vụ đời sống nhân dân; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030.
Để mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ tích cực cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, các cấp, ngành, cung cấp dịch vụ đa dạng phục vụ đời sống của người dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin của ngành, địa phương mình; tích cực phối hợp và có trách nhiệm trong công tác vận hành, tham gia cung cấp dịch vụ, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân qua trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh đối với các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương mình. Khi người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực, tương tác vào hệ thống, tính khả thi sẽ ngày càng cao.