* Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 7/7, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến, Tiểu ban Điều trị COVID-19 tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cách ly và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, Bệnh viện Dã chiến trực thuộc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Phú (ấp Long Hòa, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long); Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng kiêm nhiệm chức Giám đốc Bệnh viện.
Bệnh viện Dã chiến của tỉnh Vĩnh Long được triển khai với quy mô 50 giường bệnh, 83 biên chế; thời gian hoạt động từ khi được kích hoạt cho đến lúc được cấp có thẩm quyền giải thể khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Bệnh viện Dã chiến có nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, người bệnh tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19.
Cùng đó, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định thành lập Tiểu ban Điều trị COVID-19 của tỉnh. Tiểu ban có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh tổ chức triển khai, kiểm tra và đôn đốc các cơ sở y tế tổ chức thu dung, cách ly, điều trị và vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ và mắc COVID-19; phân tích tình hình thu dung, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để đề xuất triển khai các hoạt động tăng cường chất lượng khám, xét nghiệm, chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, Tiểu ban tổ chức Hội chẩn giữa các bệnh viện và với bệnh viện tuyến trên các ca bệnh khó, bệnh nặng; trưng tập và bổ sung thêm nhân lực của các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ…
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai tiếp nhận người được cách ly vào các khu cách ly tập trung vừa mới kích hoạt tại Trường Cao đẳng Vĩnh Long cơ sở 1, cơ sở 2 , cơ sở 3 và Trường Cao Đẳng nghề Vĩnh Long. Sức chứa các khu cách ly mới kích hoạt hơn 500 chỗ. Ngoài ra, UBND huyện Long Hồ cũng quyết định kích hoạt khu cách ly tập trung và thành lập Ban Điều hành, các Tổ chuyên môn phục vụ tại cơ sở cách ly tập trung Cơ sở 1, tại khóm 5, thị trấn Long Hồ (trụ sở cũ của Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ), nhằm phục vụ công tác cách ly, đảm bảo an toàn không lây nhiễm chéo.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên đến nay, tỉnh đã ghi nhận 16 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang chờ Bộ Y tế công bố; trong đó có 10 trường hợp là công nhân đang làm việc ở khu công nghiệp. Tỉnh đã triển khai truy vết, ra soát và xác định hơn 300 trường hợp F1; hơn 1.000 trường hợp F2.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết, với số lượng ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh, việc thành lập bệnh viện Dã chiến và kích hoạt các khu cách ly tập trung nhằm đảm bảo điều trị hiệu quả, đồng thời bố trí, cách ly các trường hợp có nguy cơ để kiểm soát, hạn chế sự lây lan, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế, người bệnh tại khu cách ly và nhân dân trong cộng đồng.
* Trước tình hình số lượng người từ các địa phương đến tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, Hải Dương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân trên địa bàn chủ động phòng, chống dịch COVID-19 cho bản thân và gia đình.
Theo đó, tất cả công dân đi từ tỉnh khác đến Hải Dương phải thực hiện khai báo y tế cho chính quyền địa phương ngày khi về đến địa phương. Tỉnh cũng tăng cường quản lý, cách ly y tế các trường hợp đi, đến từ vùng dịch trở về theo quy định.
Cụ thể, đối với những người từ các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa hay đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ vì lý do nào đó về tỉnh Hải Dương phải thực hiện cách ly tập trung như trường hợp F1 và phải chịu toàn bộ chi phí cách ly tập trung.
Những người đi từ những tỉnh, thành phố có dịch (nhưng không cư trú, làm việc trong các khu vực đang bị cách ly, phong tỏa hay giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ) khi đến, về Hải Dương phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt tại nhà như các trường hợp F2.
Riêng tại thành phố Hải Dương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố yêu cầu, người về từ tỉnh, thành phố có dịch nhưng không ở trong các khu vực thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng phải có giấy xác nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2 do đơn vị có thẩm quyền cấp trong vòng 5 ngày gần nhất. Trường hợp không có giấy xác nhận, phải lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh, kinh phí do người được xét nghiệm chi trả.
Các nhà hàng, quán ăn dọc theo Quốc lộ 5 thuộc địa bàn thành phố Hải Dương không phục vụ đối với lái xe, phụ xe, hành khách trên các tuyến chạy qua địa bàn đến từ các tỉnh, thành đang có dịch. Các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hải Dương được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm việc ghi chép thông tin khách hàng, đảm bảo khoảng cách...
Tỉnh Hải Dương cũng giao các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không khai báo, khai báo y tế gian dối, chống đối lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ…
Đến nay, Hải Dương đã trải qua 27 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Đến chiều 7/7, tỉnh chỉ còn 1 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương; bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Trong ngày 7/7, Hải Dương cũng ghi nhận 7 trường hợp F1 mới gồm 1 trường hợp ở thành phố Chí Linh, 2 trường hợp ở thị xã Kinh Môn và 4 trường hợp ở huyện Nam Sách. Lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đã lấy 1.495 mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2; trong đó, có 23 mẫu từ sàng lọc các biểu hiện sốt, ho, khó thở trong cộng đồng, 77 mẫu sàng lọc tại cơ sở khám chữa bệnh, 412 mẫu ở các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn…
* Ngày 7/7, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh ban hành hướng dẫn 2775 về việc tiếp nhận người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành về Tây Ninh, quy định bắt buộc phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (kết quả xét nghiệm dưới 72 giờ) vào thời điểm về Tây Ninh và phải tự cách ly y tế tại nhà 7 ngày.
Trong thời gian cách ly y tế tại nhà, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày 1, 3, 6 (N1-N3 và N6) và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo kể từ ngày kết thúc cách ly y tế tại nhà.
Ngoài ra, trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, yêu cầu người cách ly hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
Đối với những người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác đến Tây Ninh và về trong ngày cũng bắt buộc phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 dưới 72 giờ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K trong phòng, chống dịch theo quy định.
Trường hợp người từ các huyện của tỉnh lân cận đến làm việc, lao động tại Tây Ninh mang tính chất thường xuyên và không lưu trú lại tại Tây Ninh và ngược lại thì không yêu cầu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng phải đảm bảo tuân thủ thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế; khai báo y tế, cung cấp đầy đủ thông tin địa chỉ nhà, số điện thoại, lịch trình di chuyển, giấy xác nhận nhu cầu đi lại làm việc của công ty, doanh nghiệp cho các chốt kiểm dịch.
Tại thị xã Trảng Bàng, UBND thị xã Trảng Bàng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg; triển khai quyết liệt công tác phòng dịch tại phường Trảng Bàng, phường An Tịnh, phường An Hòa, phường Lộc Hưng và xã Hưng Thuận, thuộc thị xã Trảng Bàng. Tạm dừng việc phục vụ tại chỗ các điểm kinh doanh ăn, uống (chỉ cho phép hình thức bán hàng mang về hoặc trực tuyến) và dừng các hoạt động mua bán tại các chợ tự phát thuộc các phường, xã đang có phát sinh ổ dịch, đang được phong tỏa.