Phóng viên TTXVN có chùm 3 bài viết phản ánh quá trình sáp nhập đơn vị hành chính tại Nghệ An, từ những chủ trương, chính sách đến thực tiễn triển khai và tác động đa chiều. Đồng thời, chùm bài phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương và những người trong cuộc; đề xuất những giải pháp để thực hiện sáp nhập hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Bài 1: “Tinh” cán bộ, gọn bộ máy
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng đủ đức, đủ tài phụng sự nhân dân. Bộ máy chính quyền vận hành ổn định, hiệu quả. Người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hiệu quả từ sáp nhập
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về "việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã"; Nghị quyết số 831/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Nghệ An", giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh đã thực hiện sắp xếp 39 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp toàn tỉnh giảm 20 đơn vị hành chính cấp xã và 2.085 đơn vị khối, xóm, bản. Số lượng cán bộ cấp xã giảm 405 người; số người hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm 867 người. Sau sáp nhập, bộ máy ở các xã được sắp xếp ổn định, vận hành hiệu quả hơn.
Theo ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Trưởng Ban Chỉ đạo của tỉnh về xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hoạt động này nhằm rà soát, đánh giá, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức tinh và gọn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thời gian qua đã giảm nguồn chi từ hoạt động hành chính như: Chi trả lương, phụ cấp và giảm cho đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp trụ sở làm việc ở các xã, trường học, trạm y tế. Riêng chi lương, phụ cấp lương cho cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã, trung bình mỗi năm, địa phương giảm chi hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Nghệ An đã giảm chi hoạt động hơn 20 tỷ đồng và các hoạt động liên quan đến khối, xóm, bản giảm khoảng 405 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các địa phương, thể hiện quyết tâm lớn của người đứng đầu, sự đồng lòng của nhân dân.
Tại huyện Nam Đàn, khi chưa sáp nhập, thị trấn Nam Đàn có quy mô diện tích nhỏ và sau 5 nhiệm kỳ không mở rộng được địa giới hành chính. Năm 2020, thị trấn này được sáp nhập thêm toàn bộ xã Vân Diên và một phần xã Nam Thượng để nâng quy mô diện tích, dân số lớn hơn. Ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn ghi nhận, sáp nhập xã vào thị trấn Nam Đàn đã tạo cơ sở để thị trấn xây dựng đô thị loại IV trong thời gian tới. Đặc biệt, thị trấn được mở rộng không gian đô thị, địa bàn; phát triển thương mại, dịch vụ gắn với phát triển các làng nghề, thu hút đầu tư...
Trao đổi về hiệu quả thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn, ông Ngô Trí Cương, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Nghệ An khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; đồng thời, góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Hoạt động này đã góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm
Dựa trên kết quả đạt được, giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An đã nỗ lực đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính đúng theo kế hoạch. Theo phương án tổng thể, thị xã Cửa Lò thuộc diện sắp xếp vào thành phố Vinh; 94/460 đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp thành 45 đơn vị. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, đồng thời với việc chuẩn bị phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, các địa phương cần có phương sắp xếp về tài sản, tính toán nhân sự sau sắp xếp. Các công trình sửa chữa, xây dựng trụ sở mới của các xã thuộc diện sáp nhập phải tạm dừng.
Các địa phương, sở, ban, ngành hướng dẫn cấp huyện, cấp xã lập danh sách cử tri, lấy ý cử tri; tổ chức họp Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã để thông qua Đề án và hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 30/6/2024. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở địa phương về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Quỳnh Lưu có số lượng đơn vị sắp xếp nhiều nhất tỉnh Nghệ An với 17 xã. Sau sắp xếp, toàn huyện còn 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 1 thị trấn và 23 xã (giảm 9 đơn vị). Tính toán trước được số lượng cán bộ, công chức sẽ dôi dư sau sáp nhập, huyện đã ngừng tuyển dụng mới vào các vị trí. Sau khi tiến hành sáp nhập, địa phương sẽ bố trí, sắp xếp lại cán bộ dôi dư.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, hiện nay, huyện đã và đang tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất về nhận thức và thực hiện trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và nhân dân ở địa phương về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính. Cùng với đó, địa phương thực hiện niêm yết danh sách cử tri để lấy ý kiến của cử tri về Đề án; Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện thông qua Đề án trước ngày 5/6/2024.
Tại huyện Hưng Nguyên, dựa trên những kết quả và kinh nghiệm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 1, ở giai đoạn 2, địa phương có 6 xã sáp nhập thành 3 xã. Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Nguyên Hoàng Nghĩa An chia sẻ, đến nay, huyện đã thực hiện tuyên truyền về phương án, mục tiêu và cơ bản người dân đồng thuận. Xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã trong tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ hoặc chuyển công việc khác gắn với việc thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm. Qua đó làm cơ sở để tinh giản và điều chuyển công tác viên chức, công chức cấp huyện.
Đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 nêu rõ: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là cần thiết nhằm giải quyết tình trạng manh mún, chia cắt về địa giới hành chính; mở rộng không gian phát triển, không gian để quy hoạch; tạo liên kết vùng, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, nguồn lực lao động, mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục, y tế. Đồng thời, sắp xếp đơn vị hành chính góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản đầu mối, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Bài 2: Tâm tư cán bộ và nỗi lo lãng phí tài sản