Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện thành công việc sắp xếp thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh và 94 đơn vị hành chính cấp xã thành 45 đơn vị.
Tạo sự đồng thuận
Sáp nhập đơn vị hành chính huyện, xã tinh gọn, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực là vấn đề khó nếu không có tính toán kỹ lưỡng và giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức và tạo dư luận xấu trong nhân dân. Luân chuyển, điều động, biệt phái đi xã khác, nghỉ hưu khi chưa đến tuổi, vận động nghỉ theo chế độ - đây là những phương án mà các địa phương trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Trước thời điểm sáp nhập xã Nam Tân, Nam Lộc thành xã Thượng Tân Lộc, chị Nguyễn Thị Thu Hương giữ vị trí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Tân (huyện Nam Đàn). Tháng 2/2022, thực hiện quy hoạch sắp xếp của huyện, chị Hương làm công chức văn hóa biệt phái về UBND xã Hồng Long. Theo lộ trình năm 2024, Hồng Long sẽ sáp nhập với xã Xuân Lâm. Như vậy, những cán bộ, công chức như chị Hương tiếp tục trong diện dôi dư cần sắp xếp. “Tôi tin tưởng lãnh đạo cấp trên sẽ có chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Chúng tôi chia sẻ với lãnh đạo cấp trên và sẵn sàng chấp nhận sự điều động, luân chuyển của tổ chức”, chị Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
Là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu), còn hơn 2 năm nữa mới đến thời hạn nghỉ chế độ nhưng ông Nguyễn Văn Tuệ vẫn quyết định nghỉ trước để cán bộ cấp dưới có cơ hội phát triển. “Với tình hình sáp nhập và tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức như hiện nay, tôi đã xin nghỉ trước để cho cán bộ trẻ phát triển; đồng thời, thực hiện tốt tinh giản cán bộ tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Tuệ chia sẻ.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều cán bộ, công chức chấp nhận biệt phái hay nghỉ hưu trước tuổi theo chủ trương sắp xếp cán bộ dôi dư ở địa phương với tâm thế, tinh thần thoải mái. Để thực hiện được điều này, chính quyền ở các địa phương đã làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động cho cán bộ, công chức. Ông Đặng Văn Dương, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Long (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, khi họp triển khai việc sáp nhập 3 xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá vào thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu), người dân cũng có nhiều băn khoăn. Tuy nhiên, khi nghe cán bộ giải thích rõ ràng việc sáp nhập sẽ có cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông, mở rộng đô thị, tạo điều kiện để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa... phục vụ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, người dân đã đồng thuận, thống nhất cao.
“Người dân mong muốn, sau sáp nhập, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ, các điều kiện phục vụ nhân dân của xã mới phải tốt hơn trước đây”, ông Đặng Văn Dương cho biết thêm.
Thời gian này, các huyện gồm: Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương… đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Huyện tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết chế độ, chính sách và sắp xếp, bố trí cán bộ, người hoạt động không chuyên trách dôi dư hợp lý, đảm bảo ổn định bộ máy và tư tưởng cho đội ngũ này ở các đơn vị hành chính được sắp xếp.
Động lực cho cán bộ, công chức
Cùng với tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Quy mô diện tích lớn, dân số đông hơn nên công việc cần giải quyết tại các địa phương sau sáp nhập sẽ nhiều và yêu cầu cao hơn trước. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, phục vụ người dân tốt hơn, đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã này phải có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất.
“Việc sắp xếp, bố trí cán bộ không đơn thuần mang tính cơ học mà phải có sự sàng lọc, nâng cao chất lượng. Về lâu dài, khi được sáp nhập thành xã rộng hơn, quy mô dân số lớn hơn, để đạt được sự tín nhiệm của đông đảo đảng viên và cử tri, mỗi cán bộ, công chức xã đều phải cố gắng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác để phục vụ nhân dân tốt hơn”, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết.
Xác định cán bộ là “cốt lõi” của mọi công việc. Do đó trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, các địa phương đã và đang rà soát, xem xét, tính toán kỹ lưỡng về năng lực, trình độ chuyên môn, quá trình cống hiến để giải quyết phù hợp, hài hòa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ. Từ đó mới tạo được thành công cũng như sự ổn định, phát triển của đơn vị hành chính mới. Sau sáp nhập, các địa phương cần có phương án giải quyết thỏa đáng về tài sản công, thủ tục pháp lý liên quan, ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân.
Để chọn lựa cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất sau sáp nhập, từ đó chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An đã hướng dẫn các bước thực hiện quy trình chuẩn bị nhân sự tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời, quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp. Theo ông Nguyễn Cao Thanh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương, để tiếp tục sử dụng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã sau sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị đã đề xuất tỉnh nghiên cứu để có chính sách xét tuyển số cán bộ này sang công chức xã hoặc huyện. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chế độ, chính sách hợp lý để khuyến khích cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế hoặc thực hiện chính sách thôi việc để giảm số người theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu kiến nghị, với dự báo số lượng cán bộ, công chức sau sáp nhập lớn, huyện đề xuất, tỉnh quan tâm về mặt chính sách để động viên những cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, hoặc tự nguyện chuyển công việc làm mới, giảm áp lực cho địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tinh gọn bộ máy cần đi đôi với đơn giản hóa thủ tục hành chính để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp, tỉnh cần tính đến yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương để việc sắp xếp không là “phép cộng” cơ học một cách đơn thuần.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Mấu chốt trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập xã; phải sắp xếp, bố trí công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã hợp lý, nhất là diện dôi dư sau sáp nhập.
Về vấn đề này, nhiều cử tri kiến nghị, tỉnh và huyện cần quan tâm, đầu tư nguồn lực thỏa đáng để phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống nhân dân ở những xã sau sáp nhập. Đây cũng là cách để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, các địa phương ở Nghệ An đã khắc phục những khó khăn, linh hoạt trong cách làm để sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 đúng yêu cầu, tiến độ đề ra.