Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã vào cuộc đồng bộ để thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính một cách khoa học, bài bản với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ phải đủ tiêu chuẩn, năng lực và trách nhiệm để đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý, gần dân, sâu sát địa bàn, đáp ứng nguyện vọng của người dân
Bảo đảm tiến độ, lộ trình cụ thể
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Qua rà soát, tỉnh Yên Bái có 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Trong đó, thực hiện sắp xếp 10 đơn vị gồm: xã Yên Bình (huyện Yên Bình); các xã Nghĩa Phúc, Thanh Lương (thị xã Nghĩa Lộ); xã Tuy Lộc và phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái); các xã Đào Thịnh, Việt Thành, Nga Quán, Cường Thịnh, Bảo Hưng (huyện Trấn Yên). Ngoài ra, còn 2 đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp.
Cụ thể, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu là khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh theo Quyết định số 2414/QĐ/BQP của Bộ Quốc phòng về việc công nhận, xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, thuộc diện đặc thù. Đối với xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn có đặc thù về vị trí địa lý biệt lập và khó triển khai hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề. Ngoài ra đây cũng là địa phương có 74,4% là người dân tộc Khơ Mú, có nét đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán truyền thống riêng, thuộc diện đặc thù, đề nghị được giữ nguyên.
Theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đến năm 2025 sẽ tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách. Góp phần vào sự thành công của cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình, thời gian bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thực hiện đến khi kết thúc việc sắp xếp. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đồng thời tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, ngành, địa phương và nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, triển khai một cách bài bản, khoa học. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 cũng gặp một số khó khăn. Điển hình như theo quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan. Do đó cần phải thực hiện thêm công tác bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch để phục vụ công tác sắp xếp.
Theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì việc lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị phải tuân theo trình tự, thủ tục gồm nhiều bước như: phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị; việc lập quy hoạch đô thị phải do tổ chức tư vấn thực hiện; nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư… thời gian kéo dài từ 1 đến 2 năm.
Trong khi đó xây dựng Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt trước khi Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn, quy định của bộ, ngành, Trung ương ban hành. Thời gian thực hiện từ khi xây dựng phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương đến khi hoàn thành hồ sơ trình Trung ương xem xét, thông qua là quá gấp, trong khi khối lượng công việc nhiều, phức tạp - ông Trần Huy Tuấn thông tin thêm.
Hiện tại, tỉnh cũng chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND thị xã, thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường dự kiến hình thành sau sắp xếp trình Bộ Xây dựng thẩm định bảo đảm đúng tiến độ. Tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể việc sắp xếp đơn vị hành chính, sử dụng cơ sở vật chất, tránh việc lãng phí các công trình công cộng như nhà văn hoá, trụ sở, trạm y tế, trường học.
Không nóng vội, chủ quan duy ý chí
Trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tỉnh đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chính quyền địa phương các cấp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và xã hội trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, việc thực hiện nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến một số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở những đơn vị hành chính phải thực hiện sắp xếp. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức triển khai thực hiện.
Do đó, trong quá trình thực hiện, không được nóng vội, chủ quan duy ý chí, chạy theo chỉ tiêu, thành tích. Khi xây dựng đề án và tổ chức thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính phải có luận chứng, luận cứ khoa học đầy đủ, nhà quản lý thực tiễn và đồng thuận của nhân dân địa phương để triển khai thực thi.
Đối với tỉnh Yên Bái, địa phương sẽ xây dựng phương án tổng thể và chi tiết về việc cơ cấu tổ chức bộ máy, phương pháp tiến hành, lựa chọn đội ngũ cán bộ của các xã sau khi sắp xếp; xây dựng lộ trình rõ ràng cho việc giảm số lượng lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Việc tiến hành được thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, công bằng và khách quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định, tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn, năng lực và trách nhiệm để đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý, gần dân, sâu sát địa bàn, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tránh tình trạng để xảy ra quan liêu, tiêu cực, cục bộ địa phương, gây bất ổn, mất đoàn kết nội bộ và mất niềm tin trong nhân dân.
Đối với đội ngũ cán bộ công chức tiếp tục làm việc ở các đơn vị hành chính mới, sau sắp xếp sẽ thực hiện ngay công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ để phù hợp với vị trí mới có khối lượng công việc lớn hơn, tầm quản trị rộng hơn. Đồng thời, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành chính quyền điện tử, chính quyền thông minh nhằm cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện cho công dân, tổ chức.
Cùng với việc sắp xếp, tỉnh Yên Bái cũng nghiên cứu bổ sung các văn bản, quy định của Trung ương hoặc của tỉnh về chế độ chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp phải sắp xếp, nhất là những trường hợp dôi dư. Đồng thời nghiên cứu ban hành những chế độ, chính sách phù hợp để hỗ trợ các đối tượng có tính chất cá biệt trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp để tập trung vào triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân.