Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Miện Nguyễn Thế Tài cho biết: “Việc thực hiện đề án vị trí việc làm công chức, viên chức; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn của huyện đã nâng cao kết quả hoạt động, công tác điều hành, tránh chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Đến nay, huyện Thanh Miện đã thực hiện có hiệu quả công tác đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Trên cơ sở các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, huyện Thanh Miện đã xây dựng, tổ chức thực hiện đề án vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp và đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện. Một đơn vị phải thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ. Một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.
Hiện nay, Thanh Miện đã thực hiện nhất thể hóa các chức danh: trưởng ban tổ chức huyện ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ huyện; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là chánh thanh tra huyện; bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã ở 5 xã gồm: Lam Sơn, Lê Hồng, Chi Lăng Nam, Đoàn Kết và Ngô Quyền. Tất cả 83/83 thôn, khu dân cư của Thanh Miện đã bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư, đạt 100%.
Xã Lam Sơn là một trong những xã của Thanh Miện thực hiện việc nhất thể hóa 2 chức danh là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã vào tháng 9/2019. Ông Trương Mậu Nhân, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn chia sẻ: Khi thực hiện nhất thể hóa đã góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động của chính quyền và khâu triển khai, thực hiện. Thực tế đã chứng minh, việc thực hiện nhất thể hóa đã đem lại hiệu quả hơn so với trước kia. Nếu như trước đây, khi chưa nhất thể hóa thì khó phát huy vai trò của người đứng đầu. Nếu như có việc thì phải họp trong cấp ủy, rồi mới triển khai ra các ngành, đoàn thể và thực tế triển khai thì phải họp 3 cuộc, nay thì chỉ họp 1 lần và triển khai được ngay. Trước kia, việc đưa chủ trương chính sách của tỉnh, huyện, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp đến với người dân còn chậm thì từ khi nhất thể hóa, công việc đã thuận lợi hơn.
Từ một xã khó khăn của huyện Thanh Miện, nay Lam Sơn đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ hơn, bộ mặt kinh tế của xã nông thôn từng bước thay đổi. Đến nay, Lam Sơn đã xây dựng được 3 vùng sản xuất lúa tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều diện tích cây vụ đông, rau màu đã được áp dụng hệ thống tưới nước tiên tiến. Giá trị tổng sản phẩm toàn xã ước đạt trên 356 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người đạt 50,1 triệu đồng/người/năm.
Thanh Miện cũng thực hiện việc sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách theo Đề án số 01/ĐA-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn”. Kết quả, đến nay, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong toàn huyện còn 226 người, giảm 140 người. Số người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, khu dân cư cũng chỉ còn 409 người, giảm 189 người. Huyện cũng đã triển khai sáp nhập thôn, khu dân cư và hiện đã hoàn thành với kết quả giảm được 9 thôn, khu dân cư ở 6 xã (từ 92 thôn, khu dân cư giảm còn 83 thôn, khu dân cư).
Đồng thời, huyện Thanh Miện cũng đã xây dựng hàng loạt đề án như: sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện với Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình thành Trung tâm Y tế huyện; sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Miện và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề Thanh Miện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện trên cơ sở hợp nhất các trạm: khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở...
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cũng được huyện Thanh Miện triển khai theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm sáp nhập xã Hùng Sơn với thị trấn Thanh Miện thành thị trấn Thanh Miện, xã Tiền Phong với xã Diên Hồng thành xã Hồng Phong.
Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, huyện Thanh Miện đã giảm được 5 trung tâm và 7 trường học (gồm 3 trường Mầm non, 2 trường Tiểu học và 2 trường Trung học Cơ sở).
Cùng với sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, huyện Thanh Miện cũng tăng cường các biện pháp thực hiện tinh giản biên thế. Trong 5 năm, huyện đã giải quyết chế độ chính sách cho 36 trường hợp. Đối với những đơn vị thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, Ủy ban nhân dân huyện đã có giải pháp, phương án sắp xếp, bố trí hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, bên cạnh việc triển khai theo đúng hướng dẫn của trung ương, Hải Dương đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/TU về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020” và Đề án số 03-ĐA/TU về “Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021”.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai kịp thời với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; được cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn ở Hải Dương đã đạt tiến độ đề ra, có nhiều chỉ tiêu đạt cao so với đề án; việc giảm chỉ tiêu biên chế trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm đúng lộ trình. Bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động hiệu quả, ổn định; cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác và tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm.