Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, với nhiều dự án, công trình lớn cùng triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đất đai, nhà cửa, công trình vật kiến trúc, công ăn việc làm của người dân... tuy nhiên, các cấp ngành địa phương, lực lượng tuyên truyền viên cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, quán triệt sâu sắc về ý nghĩa các dự án, công trình trọng điểm. Trong số đó, việc tuyên truyền không chỉ tập trung vào các công trình trọng điểm hiện nay mà còn các dự án, công trình khác góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong ngày 9 - 10/3, tại huyện Mỹ Tú và Trần Đề, Tổ tuyên truyền thuộc Ban Chỉ đạo điều hành các dự án đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn các huyện.
Theo ông Lâm Tấn Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền thuộc Ban Chỉ đạo điều hành các dự án đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong tuyên truyền, các địa phương có công trình trọng điểm đi qua cần phải quan tâm, theo dõi sát về dư luận xã hội, phản ứng người dân, lưu ý thời điểm áp giá đền bù để kịp thời nắm bắt thông tin. Đối với các báo cáo viên, tích cực lồng ghép tuyên truyền về lợi ích dự án trong các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể ở các nơi chịu sự ảnh hưởng của dự án. Việc sử dụng tờ rơi có nội dung tuyên truyền, giải đáp thắc mắc cho người dân, thực hiện tuyên truyền tại chỗ cũng là cách làm hay.
Đối với các cơ quan báo chí địa phương cần thiết xây dựng các chuyên mục, chuyên đề thông tin về dự án, đồng thời cập nhật liên tục, thường xuyên chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để người dân nắm rõ. Ngoài ra, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa địa phương với các cơ quan báo chí, đồng thời phát huy tối đa các phương tiện báo chí địa phương và Trung ương, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, có tác động mạnh mẽ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn, ngoài dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối tới cửa biển Trần Đề) còn có các Dự án Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, kết nối tỉnh Trà Vinh với Sóc Trăng; Dự án kêu gọi đầu tư cảng nước sâu Trần Đề, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Sóc Trăng, Dự án tuyến đường Đông-Tây của tỉnh Sóc Trăng... đang cùng được triển khai thực hiện những bước khởi động và sẽ sớm được khởi công 2 dự án vào giữa năm 2023.
Trước đó, Theo Ban Quản lý Dự án 2, tỉnh Sóc Trăng dự án thành phần 4 (đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng), thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là Dự án quan trọng Quốc gia, có quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 4 làn xe (theo phân kỳ đầu tư), tổng chiều dài tuyến 58,37km, vận tốc thiết kế 100km/h. Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi khoảng 3.508.770m2; trong đó: đất ở: 87.900 m2, đất nông nghiệp: 3.203.202m2, đất phi nông nghiệp không phải đất ở: 217.6 m2 (bao gồm: đất giao thông, đất thuỷ lợi và đất nghĩa địa).
Tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, tổng mức đầu tư khoảng 11.961 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.788,20 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng toàn bộ 6 làn xe); chi phí xây dựng 8.551,65 tỷ đồng; chi phí thiết bị 5,52 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 45,01 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng 276,27 tỷ đồng và chi phí khác 282,18 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 1.012,17 tỷ đồng.
Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất thống kê có 2.798 hộ tương ứng với khoảng 12.144 người sử dụng đất bị ảnh hưởng; số hộ bị ảnh hưởng phải di dời và phải được bố trí tái định cư: khoảng 293 hộ. Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng, từng loại đất thu hồi gồm: Bồi thường đất đai: 1.014.599.443.989 đồng; bồi thường nhà ở, công trình, vật kiến trúc: 72.612.461.300 đồng; Bồi thường cây trồng, vật nuôi: 35.978.590.331 đồng. Các khoản hỗ trợ: 229.992.429.895 đồng; kinh phí bố trí, xây dựng khu tái định cư: 145.058.807.3 đồng; di dời cơ sở hạ tầng: 45.000.000.000 đồng. Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.765.4.542.780 đồng. Kinh phí để giải phóng mặt bằng sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.
Riêng phần dự án đi qua địa bàn huyện Trần Đề có tổng chiều dài là 25,77km, gồm các xã: Thạnh Thới Thuận, Lịch Hội Thượng, Thạnh Thới An, Viên An, Viên Bình, Liêu Tú, Trung Bình và thị trấn Lịch Hội Thượng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 678 hộ gia đình, cá nhân và 4 tổ chức, khoảng 26 hộ đủ điều kiện tái định cư, 100 mồ mả của người dân bị ảnh hưởng. Hiện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã bàn giao và cắm xong 1.144/1.144 cọc ranh. Huyện Trần Đề đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thông báo thu hồi đất đến các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp hoàn chỉnh đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi theo quy định.
Thực hiện tuyên truyền, huyện Trần Đề đã tiến hành lấy ý kiến 548/706 hộ cá nhân và tổ chức; kết quả đạt 100% phiếu đồng ý. Đối với các nơi thực hiện khai thác vật liệu xây dựng dùng đắp nền đường của khu mỏ cát lòng sông Hậu phục vụ dự án, sau khi lấy ý kiến 48/48 hộ, 100% hộ đại biểu và nhân dân thống nhất. Nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, địa phương đã thông tin trên Cổng thông tin điện tử huyện, lồng ghép vào các buổi biểu diễn, tuyên truyền lưu động, sử dụng kênh thông tin, mạng xã hội để tuyên truyền công khai, rộng rãi trong nhân dân. Bên cạnh triển khai các hình thức tuyên truyền, Tổ Tuyên truyền còn thường xuyên theo dõi phản ánh của người dân về dự án.