Phát triển kinh tế biên mậu
Là địa phương đầu nguồn con sông Tiền, Tân Châu là thị xã biên giới phía Bắc của tỉnh An Giang, có đường biên giới dài 6,33 km giáp với Campuchia. Thị xã có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh quan trọng của tỉnh, là địa bàn trọng điểm kinh tế biên giới của An Giang.
Thị xã có vị trí địa lý hết sức quan trọng và thuận lợi để phát triển kinh tế; trong đó, Quốc lộ N1 kết nối Tân Châu với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các trục hành lang kinh tế quốc gia quan trọng. Đường Hồ Chí Minh (N2), Quốc lộ 91, Quốc lộ 80, sông Tiền, sông Hậu cũng gắn kết địa phương với các trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnompenh (Campuchia).
Thế mạnh của thị xã trong phát triển kinh tế là có Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi kết nối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia và các nước ASEAN. Thông qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, hàng hóa các doanh nghiệp trong nước được giao thương trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, giá trị xuất khẩu qua cửa khẩu này hàng năm đạt khoảng 100 triệu USD, điều đó cho thấy tiềm năng, lợi thế rất lớn của Tân Châu trong phát triển kinh tế biên mậu.
Ông Nguyễn Ngọc Vệ, Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu khẳng định, với lợi thế và điều kiện thuận lợi, thị xã Tân Châu coi phát triển kinh tế biên mậu là khâu đột phá để đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch; từng bước phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Để thúc đẩy nhanh tiến độ phát triển các lĩnh vực kinh tế nêu trên, thị xã đã và đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển mạng lưới chợ, siêu thị; đề nghị tỉnh tập trung đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương, nhất là triển khai xây dựng khu bảo thuế, chợ biên giới, khu dân cư đô thị Vĩnh Xương, nâng cấp cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phần đường bộ... làm đòn bẩy đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế”, ông Vệ thông tin.
Xác định Tân Châu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh; thời gian qua, An Giang đã ban hành nhiều chủ trương để xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu từng bước trở thành đô thị hạt nhân vùng 2 của tỉnh, đứng trong vị trí thứ ba về kinh tế - xã hội của An Giang.
Từ đó, Tân Châu chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ như: khách sạn, nhà hàng, vận tải; phát triển du lịch sông nước, du lịch biên giới, du lịch tiểu vùng sông Mekong; đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Núi Nổi – Giồng Trà Dên thuộc xã Tân Thạnh; làng văn hóa dân tộc Chăm – Châu Phong; các khu vui chơi giải trí; tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, lễ hội truyền thống.
* Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã Tân Châu luôn đạt trên 10%/năm; năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 52 triệu đồng/người/năm gấp 1,15 lần so với năm 2015; thương mại, dịch vụ tiếp tục đóng vai trò là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế thị xã… Đến năm 2025, Tân Châu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình đạt 80 triệu đồng; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 70,5%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; tỷ lệ xã có bác sĩ đạt 50% và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.
Để sớm đưa Tân Châu trở thành thành phố, thời gian tới thị xã tập trung phát triển nhanh các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng văn minh, hiện đại; trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
Thị xã cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như: dịch vụ vận tải kho bãi, hậu cần logistics, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ và dịch vụ du lịch. Thị xã xác định lựa chọn phát triển một số dịch vụ chất lượng cao hướng đến “xuất khẩu” sang thị trường Campuchia và xây dựng, đưa Tân Châu trở thành một trung tâm xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ sôi động, sầm uất bậc nhất trong số các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh An Giang.
Để Tân Châu trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ông Huỳnh Quốc Thái, Bí thư Thị ủy Tân Châu cho biết, Đảng bộ, chính quyền Tân Châu sẽ tập trung xây dựng, thực hiện tốt các quy hoạch phát triển thị xã theo hướng đô thị hóa với cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biên mậu và du lịch; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án xây dựng trên địa bàn thị xã đã được tỉnh và Trung ương phê duyệt.
“Thị xã cũng tập trung huy động mọi nguồn lực, kể cả vốn ngân sách, vốn nước ngoài, vốn khai thác từ quỹ đất, vốn doanh nghiệp, kết hợp các nguồn xã hội hóa để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng chất tiêu chí đô thị loại III, ưu tiên các dự án, công trình trọng điểm về chỉnh trang đô thị, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng…tạo nên diện mạo mới cho đô thị thị xã”, ông Thái cho biết.
* Xây dựng nhiều dự án tầm cỡ
Trong 10 năm gần đây, thị xã Tân Châu được tỉnh An Giang đầu tư, xây dựng nhiều công trình trọng điểm như: tuyến dân cư kênh Vĩnh An; công trình nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhàn, Tôn Đức Thắng; tỉnh lộ 952, 953, 954, lộ sau Sông Tiền…Đặc biệt, công trình cầu Tân An được xem là công trình thế kỷ trên địa bàn thị xã. Từ đó, giúp kết nối giao thông liên vùng, đưa hàng hóa từ nội địa nhanh chóng ra biên giới để xuất khẩu sang các nước ASEAN. Hiện tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương để xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu từng bước trở thành đô thị hạt nhân vùng 2 của tỉnh, đứng trong vị trí thứ ba về kinh tế xã hội của An Giang.
Để Tân Châu sớm trở thành thành phố như nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, thị xã quan tâm ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp như: nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết và phối hợp phát triển với các địa phương trong tỉnh, nhất là Thành phố Long Xuyên, Thành phố Châu Đốc, trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của nhau để cùng phát triển, cùng có lợi. Chú trọng hợp tác về phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao...
Bí thư Thị ủy Tân Châu Huỳnh Quốc Thái cho biết, để Tân Châu trở thành thành phố, ngoài việc tranh thủ vốn từ các tổ chức quốc tế như: WB, ADB, ODA…để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển giao thông nông thôn; Tân Châu cũng kiến nghị tỉnh An Giang đầu tư và mời gọi đầu tư thực hiện các dự án lớn kết nối thị xã với Châu Đốc, Đồng Tháp như: Cầu Châu Đốc, cầu Tân Châu – Hồng Ngự (Đồng Tháp); tuyến N1 đoạn tuyến Tân Châu – Châu Đốc, nâng cấp tỉnh lộ 952 thành Quốc lộ 80B, dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 950...nhằm tạo sức bật mới cho sự phát triển thị xã.
“Tân Châu cũng đề xuất tỉnh đầu tư đúng tiến độ vào các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển vào các ngành và lĩnh vực chủ chốt của thị xã; xác định danh mục dự án mang tính đột phá theo thứ tự ưu tiên để bố trí kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm; phối hợp với ngành ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Thái kiến nghị…/.