Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2025, Long An giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, tỉnh đã đề ra các chương trình đột phá, công trình trọng điểm để ưu tiên thực hiện và đạt được những kết quả thiết thực, rõ rệt, góp phần tạo sức bật mới cho nền kinh tế.
Nghị quyết từ thực tiễn
Xuất phát từ đánh giá đúng thế mạnh, cơ hội, cũng như những thách thức, “điểm nghẽn” cần vượt qua, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 3 chương trình đột phá giai đoạn 2020 - 2025 gồm: chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Đồng thời, Đảng bộ tỉnh cũng xác định 3 công trình trọng điểm cần hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2025; đó là, hoàn thiện đường Vành đai thành phố Tân An; đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến đường tỉnh 830); đường tỉnh 827E (đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến sông Vàm Cỏ Đông). Các công trình này sẽ góp phần phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng, ưu thế vượt trội cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, cụ thể hóa từng giải pháp chỉ đạo, triển khai các chương trình đột phá, công trình trọng điểm với yêu cầu phải thể hiện rõ kết quả qua từng chặng; đồng thời, tháo gỡ vướng mắc phát sinh để tiếp tục thực hiện.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết: Một trong những chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã xác định là huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ.
Với phương châm triển khai đúng trọng tâm, ngành giao thông vận tải tỉnh và các ngành liên quan, các địa phương tập trung thực hiện 8 công trình cụ thể, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; trong đó, có các tuyến như: đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; đường tỉnh 826E (đoạn từ giao ĐT.826C đến cầu Cần Giuộc); trục động lực Đức Hòa; nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62… Song song đó, ngành cũng nỗ lực triển khai 3 công trình giao thông trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng là một trong các chương trình đột phá của Long An.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. UBND tỉnh có Đề án thực hiện hàng năm cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức quán triệt các nội dung đến cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân, tạo thống nhất cao trong triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, lợi nhuận, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thể hiện sức bật mới
Đến thời điểm này, nhiều chương trình đột phá ở Long An đã cho kết quả rõ rệt. Một số công trình trọng điểm cũng đã “về đích”, thể hiện Nghị quyết “trúng”, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã triển khai “đúng”. Bên cạnh đó, những bất cập, khó khăn nảy sinh trong quá trình triển khai cũng được tỉnh nắm bắt kịp thời, có giải pháp tháo gỡ để tiếp tục thực hiện.
Với chương trình đột phá ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Long An Đinh Thị Phương Khanh thông tin, triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa đã góp phần quan trọng khắc phục thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp thông qua ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng thời, tạo chuyển biến trong nhận thức của nông dân, thay đổi tập quán canh tác, có ý thức sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sản phẩm có chất lượng hơn, được thị trường chấp nhận, nhất là phân khúc thị trường có giá trị tăng thêm lớn. Đến nay, tỉnh Long An có hơn 59.670 ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Chi phí sản xuất giảm khoảng 5 - 15% so với trước khi triển khai. Lợi nhuận nông dân thu được tăng 5 - 20% so với trước đây.
Tương tự, với diện tích trồng chuyên canh một số loại cây chủ lực như thanh long, chanh hoặc cây rau, Long An cũng triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Hiện tỉnh có hơn 5.700 ha thanh long, trên 3.700 ha chanh và hơn 2.000 ha rau ứng dụng công nghệ cao trong canh tác. Cây sinh trưởng tốt, cho sản phẩm chất lượng cao, lại giúp bảo vệ môi trường. Hiệu quả kinh tế đạt được tăng khoảng từ 15 - 25% so với ngoài mô hình.
Đối với ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tỉnh triển khai nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm hoặc chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, đối với chương trình đột phá liên quan đến hạ tầng giao thông, trong số các dự án đề ra, có 2 dự án đã hoàn thành là dự án nút giao đường Hùng Vương – Quốc lộ 62 và dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 824 (đoạn từ Tua Một đến cầu Kênh Ranh).
Dự án đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ Vành đai 4 đến Đường tỉnh 830) được thống nhất đề xuất phương thức đầu tư bằng vốn đầu tư công, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2028. Các dự án còn lại đang được thi công hoặc đang chờ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công - tư.
Bên cạnh đó, một trong 3 công trình giao thông trọng điểm là đường Vành đai thành phố Tân An đã hoàn thành. Hai công trình còn lại, trong đó dự án Đường tỉnh 830E đang được Sở Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý về đất đai, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đối với dự án Đường tỉnh 827E (ĐT.827E), xác định đây là tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong kết nối Long An với các tỉnh lân cận và Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án 3 cây cầu trên tuyến ĐT.827E và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đường dẫn vào các cầu.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An Trần Thiện Trúc cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong phối hợp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong triển khai các công trình; đồng thời, đẩy mạnh thi công các dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện trong giải quyết khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công các dự án...
ToanPhat Group (TPG) là doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Long An gồm 2 công ty thành viên là Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát và Công ty TNHH Kho Vận Toàn Phát. Ghi nhận về những đổi thay theo hướng tích cực từ hạ tầng giao thông tại Long An, ông Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Marketing của ToanPhat Group chia sẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông được chú trọng xây dựng và mở rộng.
Theo ông Việt, điều này đã tạo kết nối thuận tiện cho giao thông đường bộ, đường thủy, gắn liền với hoạt động logistics, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Do vậy, hoạt động trên địa bàn tỉnh Long An, doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics hiện đại, thông minh cung cấp đầy đủ các dịch vụ chiếu xạ, lưu trữ, vận chuyển hàng hóa nông sản hàng đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.