Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Khê, ông Nguyễn Văn Xuân, người con của vùng trung du miền núi Phú Thọ, đã đầu quân cho "mặt trận" xóa đói giảm nghèo từ những năm đầu thế kỷ 21, hồ hởi cho biết: “Những ngày đầu thành lập (năm 2002), chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách như vốn ít; cán bộ tác nghiệp, điều hành về tín dụng chính sách vừa thiếu, vừa yếu về trình độ. Cùng với đó là địa hình rộng lớn, hầu hết là các thôn xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3), lại thường xuyên chịu đựng những khắc nghiệt của thiên tai, dịch bệnh…
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của mình, NHCSXH Cẩm Khê luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể... qua đó đã giúp đơn vị vượt qua mọi khó khăn, tập trung hoàn thành nhiệm vụ huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức và tổ chức; để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước, đồng hành cùng người dân trong hành trình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện cuộc sống.
Giờ đây, các làng quê của huyện miền núi Cẩm Khê đã ngày càng khang trang, tươi đẹp. Kinh tế xã hội liên tục khởi sắc, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Xã Công giáo toàn tòng Tạ Xá, 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn huyện. Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Các tổ chức chính trị xã hội trong xã đã đứng ra ủy thác cho NHCSXH huyện số tiền gần 30 tỷ đồng, để cho hơn 600 hội viên vay vốn phát triển kinh tế; khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tập trung dồn đổi đất đai để phát triển các mô hình kinh tế vườn, ao chuồng, rừng phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, xã chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với các đơn vị tư vấn để người dân đi xuất khẩu lao động tại các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Ông Mai Tiến Đường, Chủ tịch UBND xã Tạ Xá, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch giảm nghèo để triển khai thực hiện. Đến năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội xã đã chuyển biến tích cực, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Tổng thu ngân sách đạt gần 4,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,9%; hộ cận nghèo giảm còn 7,2%; xã đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới”.
Xã Tùng Khê là xã thuộc Chương trình 135, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, xã Tùng Khê có hơn 37% hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã được kiện toàn, động viên nhân dân mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay vào phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở mang ngành nghề thủ, công nghiệp, giảm dần lao động trong nông nghiệp… Từ đó, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm mạnh, nhiều mô hình trang trại, gia trại, thâm canh cây trồng, vật nuôi và các gương nông dân sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng xuất hiện ngày càng nhiều.
Ông Trần Văn Khoa, Chủ tịch UBND Tùng Khê, cho biết, nguồn vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn xã mỗi năm từ 4-5%.
Không chỉ xã Tà Xá, Tùng Khê... mà hầu như ở tất cả các xã của huyện Cẩm Khê, đồng vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều đồng bào dân tộc khó khăn thoát nghèo, thực hiện khát vọng làm giàu chính đáng.
Kết quả đó khẳng định những nỗ lực của NHCSXH Cẩm Khê trong việc tìm kiếm, tập trung huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Kết quả đó cũng khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Cẩm Khê đã quán triệt đầy đủ nội dung, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư “về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, đồng thời cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, để tăng cường năng lực hoạt động của NHCSXH và hỗ trợ thêm nguồn vốn vay cho các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn.
Tính đến ngày 31/10/2024, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác 4.630 triệu đồng, tăng 1.948 triệu đồng so với 31/12/2023, hoàn thành 194,8% kế hoạch, góp lực nâng tổng dư nợ cho vay 17 chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Cẩm Khê lên gần 665.000 triệu đồng.
NHCSXH huyện Cẩm Khê đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa bàn miền núi. NHCSXH huyện đã cùng các tổ chức hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, ký kết lại hợp đồng ủy thác cho vay vốn chính sách, tạo thành dây chuyền 4 nhà “ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, tổ TK&VV”, chung tay giúp dân vay vốn chính sách phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, nâng cao cuộc sống.
Theo báo cáo, đến nay, các cấp hội đoàn thể đã tham gia quản lý số tiền 6.600.000 triệu đồng, chiếm 99,73% tổng dư nợ của NHCSXH huyện Cẩm Khê. Ý nghĩa của việc cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội là tạo sự phối hợp chặt trẽ với các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm của huyện, xã chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; để làm cầu nối vững chắc trong chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn tín dụng đến đúng các đối tượng thụ hưởng
Nguồn vốn chính sách đã thực sự là động lực thúc đẩy, giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cẩm Khê giảm bình quân 2%/năm; đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn 6,13%, hộ cận nghèo còn 3,5%.
Cụ thể, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 5.834 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 1.362 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 973 lao động được tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm; 6 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 18.926 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; số căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách là 5 căn nhà.
Tín dụng chính sách xã hội còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH để người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nguồn vốn vay được đầu tư đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với tín dụng chính sách một cách thuận lợi.
Bí thư Huyện ủy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định: Nguồn vốn tín dụng chính sách trong những năm qua đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng giữ vai trò trụ cột đối với công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Cẩm Khê.