Bài 1: Hồi sinh những vùng đất hoang sơ
Những năm qua, hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh không ngừng quan tâm chăm lo phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống nhân dân ở khu dân cư biên giới giáp Campuchia. Nhờ đó, các khu dân cư vùng đất đỏ miền Đông đang từng ngày “thay da đổi thịt”.
Khu dân cư biên giới Chàng Riệc ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đã "thay da đổi thịt" sau 10 năm thành lập. Nơi đây, trước kia là vùng đất hoang sơ, chịu nhiều hậu quả chiến tranh, được tỉnh chọn làm điểm xây dựng khu dân cư ở biên giới theo Đề án “Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh” (gọi tắt là Đề án 407).
Thời gian đầu, người dân về nơi ở mới tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất nơi biên cương. Đến nay đã có 320 hộ được bố trí vào Khu dân cư biên giới Chàng Riệc. Mỗi hộ được hỗ trợ căn nhà 42m2 xây trên mảnh đất 1.000 m2 và 1ha đất sản xuất, được vay vốn phát triển sản xuất. Tại đây, người dân chủ yếu trồng các loại cây mía, sắn và cây lâu năm.
Gia đình ông Nguyễn Bá Cường (71 tuổi), một trong những hộ đầu tiên gắn bó với Khu dân cư biên giới Chàng Riệc, cho biết trước khi xây dựng khu dân cư, ở đây không có nhà dân sinh sống, chỉ là nương rẫy trồng mía và sắn. Đến năm 2012, Khu dân cư biên giới Chàng Riệc được thành lập theo Đề án 407.
“Từ khi về vùng đất mới, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Chàng Riệc nên tôi cũng như người dân ở đây an tâm sản xuất, kinh tế ngày càng phát triển”, ông Nguyễn Bá Cường chia sẻ.
Khu định cư Đắk Á (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) tuy mới thành lập từ năm 2020 nhưng đến nay đã có 60 hộ dân sinh sống. Đời sống kinh tế nhiều hộ dân ngày càng ổn định.
Tết Quý Mão 2023 có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất đối với gia đình anh Điểu Khó, một những hộ được cấp nhà kiên cố tại Khu định cư Đắk Á. Anh Điểu Khó cho biết, gia đình vẫn chưa hết ám ảnh về những năm tháng ở trong căn nhà dựng tạm trên đất mượn của hàng xóm. Năm 2022, được Nhà nước quan tâm xây nhà, hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, vợ chồng anh rất mừng và chú tâm làm ăn để ổn định cuộc sống.
Ngoài phát triển kinh tế, các hộ dân còn chăm sóc từng luống hoa, cây cảnh để tạo nên một khu dân cư luôn sáng, xanh, sạch đẹp. Theo Trưởng thôn Đắk Á Điểu Nghị, Khu định cư Đắk Á do huyện Bù Gia Mập phối hợp với Quân khu 7 hỗ trợ xây dựng. Nhiều hộ dân nơi đây đã có cuộc sống ổn định trên vùng đất mới.
Trước kia nơi đây là đồi đất trống và vườn điều. Từ năm 2020 đến nay, vùng đất này đã “hồi sinh” nhờ dự án bố trí nhà ở. Nhiều ngôi nhà khang trang san sát dọc theo những con đường thẳng tắp. Ban đêm, những ánh đèn bằng tấm pin năng lượng mặt trời chiếu sáng đường trong khu dân cư giúp bà con đi lại dễ dàng, ông Điểu Nghị phấn khởi cho biết thêm.
Gắn kết tình quân-dân
Khu dân cư biên giới được xem là “miền đất hứa” đối với những gia đình chính sách, hộ nghèo không có đất, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, đơn vị bộ đội luôn sát cánh cùng nhân dân trong đời sống cũng như gìn giữ an ninh trật tự vùng biên.
Sinh sống hơn mười năm tại Khu dân cư biên giới Chàng Riệc nên ông Lê Công Tâm rất thấu hiểu và trân trọng tình quân-dân. Ông Lê Công Tâm cho biết, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng rất gần gũi, luôn giúp đỡ nhân dân. Bộ đội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở biên giới. Nhờ vậy, bà con nắm được quy định của pháp luật, từ đó góp phần phòng ngừa tội phạm ở biên giới, tăng cường phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Gia đình ông Điểu Lý, dân tộc S’tiêng ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) được xem là người uy tín trong Khu định cư Đắk Á. Ông Lý thường xuyên cùng các lực lượng địa phương trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình, gìn giữ an ninh khu dân cư. Ông Điểu Lý cho biết, nhờ chính quyền địa phương, các đơn vị bộ đội, nhà hảo tâm đã giúp bà con nghèo có nơi ở khang trang, cuộc sống ổn định hơn. Các chiến sĩ bộ đội địa bàn luôn gần gũi nhân dân và tuyên truyền cho bà con cố gắng làm ăn, gìn giữ an ninh trật tự địa phương.
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) là một trong những đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Bình Phước cùng địa phương góp phần giúp nhiều hộ nghèo được an cư lạc nghiệp, thoát nghèo bền vững. Đại tá Nguyễn Duy Dương, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) cho biết, đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, đặc biệt xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm năm qua, Đoàn Kinh kế-Quốc phòng 778 xây dựng gần 200 căn nhà cho đồng bào thiểu số, giúp các hộ khó khăn không có nhà, đất ở. Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện công tác dân vận như khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà, chương trình nâng bước các em đến trường ở vùng sâu, vùng xa cho nhân dân có điều kiện sống tốt hơn.
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 và các cấp chính quyền địa phương mong muốn, khi bà con về nơi ở mới cần tích cực sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Với tình đoàn kết quân - dân, trong những năm qua, các khu dân cư biên giới từng bước chuyển mình, căng tràn sức sống. Người dân quyết tâm biến sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng thành động lực, đòn bẩy để hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài cuối: 'Lá chắn' vững chắc ngăn chặn tội phạm