Cụ thể, tỉnh Phú Yên đã thiết lập thêm chốt kiểm soát y tế tại địa phương giáp ranh với tỉnh Gia Lai, nhằm ngăn chặn không để xảy ra ca mắc trong cộng đồng tại tỉnh.
Ngoài chốt kiểm dịch được lập trên tuyến Quốc lộ 25 qua địa bàn huyện Sơn Hòa trước đó, ngày 1/2, chốt kiểm tra y tế thứ hai được thành lập tại xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh). Tại chốt kiểm dịch này, tất cả công dân đi từ hướng huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) theo đường Đông Trường Sơn qua địa phận xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) đều phải kiểm tra y tế.
Đến 11 giờ ngày 2/2, khu cách ly tập trung tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sông Hinh có 45 trường hợp phải cách ly, trong đó có 17 người trở về từ Gia Lai. Các trường hợp đến khu cách ly được lấy xét nghiệm, hiện tại đã có 2 mẫu kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh cho biết, địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các cơ sở cách ly y tế tập trung theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên. Những ngày tới, số lượng người phải cách ly tập trung có thể sẽ tăng cao bởi huyện Sông Hinh có nhiều sinh viên đang học tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (nơi đang có dịch COVID-19) trở về địa phương. Trước mắt, huyện bố trí thêm các giường ở các hội trường, lớp học tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị để đáp ứng nhu cầu cách ly; gấp rút dựng thêm khu cách ly tập trung tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định cho tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học từ ngày 2/2. Cùng với đó, công tác kiểm soát y tế đang được tỉnh Phú Yên tăng cường nhằm không để xảy ra ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
* Chiều 2/2, Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận cho phép học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 3/2. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tạm dừng tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo lớn, sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Các cơ quan nhà nước không tổ chức liên hoan cuối năm; vận động nhân dân tạm dừng tổ chức đám cưới…
Các hoạt động như đường hoa, chợ Tết, văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ Tết… vẫn tổ chức nhưng phải đảm bảo quy định về phòng chống dịch như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn…
Để kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng, hiệu quả, không để phát sinh, lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục huy động hệ thống chính trị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 400/UBND-KGVXNV ngày 29/1/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương xem công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hàng đầu, ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an toàn, vui tươi. Việc kiểm soát nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào tỉnh phải được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương rà soát, nắm danh sách sinh viên đang học tập tại trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và các vùng có dịch để tiến hành kiểm soát y tế theo quy định.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc địa bàn, đặc biệt là số học sinh, sinh viên, người lao động từ xa về nghỉ Tết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu lơ là, để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 2/2, Bình Thuận liên tiếp 325 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm COVID-19. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 2 trường hợp được cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính; có 90 công dân đi đến từ các tỉnh có dịch từ ngày 29/1 đến ngày 2/2. Tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính và được các cơ quan y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ.
* Để tăng cường phòng, chống dịch, chiều 2/2, ông Hà Minh Dảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa, Du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lần thứ III, năm 2021 thông báo về việc tạm dừng lễ hội kể từ ngày 2/2, do tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo kế hoạch, Lễ hội Văn hóa, Du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lần thứ III, năm 2021 diễn ra từ ngày 26/1 đến ngày 3/2 tại sân vận động thị xã Trảng Bàng.
Lễ hội quy tụ trên 200 gian hàng, được phân làm 7 khu gồm: Khu triển lãm; khu trình diễn thực hành di sản và tái hiện các làng nghề bánh tráng; khu ẩm thực; khu trưng bày sản phẩm địa phương; khu giới thiệu trưng bày của các công ty lữ hành; khu quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống và khu gian hàng thương mại…
Điểm nhấn của lễ hội lần này là có nhiều gian hàng tái hiện làng nghề bánh tráng so với các kỳ lễ hội trước, để du khách có thể tự tay trải nghiệm tráng bánh, nướng bánh… và nhiều gian hàng ẩm thực phục vụ đặc sản bánh tráng Trảng Bàng ăn với rau rừng, rau sông và bánh canh Trảng Bàng để du khách gần xa thưởng thức khi tham gia lễ hội.
Ngoài ra, Lễ hội văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng năm 2021, Ban tổ chức đã dành ra 19 gian hàng để trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương. 10 xã, phường (thuộc thị xã Trảng Bàng) và 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Tây Ninh đều có gian hàng giới thiệu đặc sản mà các địa phương đang xây dựng theo mô hình OCOP, nên đã thu hút hàng ngàn người tham gia lễ hội vào mỗi đêm.
Lễ hội văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là sự kiện văn hóa nổi bật, diễn ra 2 năm một lần, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2016.