Tăng tốc các dự án liên kết vùng
Đến nay, hạ tầng giao thông được tỉnh đầu tư ngày càng hoàn thiện, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành trong vùng. Qua đó, Tây Ninh đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp. Nhất là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài; tuyến đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B – 789, dự án Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát - giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh…
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết, đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) vừa được Thủ tướng phê duyệt có tổng chiều dài tuyến gần 51 km. Trong đó, đoạn qua địa phận TP Hồ Chí Minh dài 24,6 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3 km; quy mô 6 làn xe cao tốc. Dự kiến dự án sẽ chính thức khởi công vào tháng 6/2025 sau khi hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2027.
Theo đó, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh nói riêng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) là một trong những dự án trọng điểm mà Tây Ninh được Thủ tướng giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP). Về tiến độ, theo ông Nguyễn Ngọc Châu, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn SunGroup) là đơn vị được UBND tỉnh chấp thuận, đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án. Đến nay, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã thẩm định báo cáo, đồng thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và nghiên cứu thêm phương án tài chính đầu tư.
Trong khi đó, Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - ĐT.787B - ĐT.789 có tổng chiều dài 48,113 km đang được triển khai. Dự án qua địa phận thị xã Trảng Bàng (42,113 km) và huyện Dương Minh Châu 6km với tổng mức đầu tư là 3.416,23 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, tuyến đường được chia thành 3 dự án thành phần gồm: tuyến đường N8 (dài 9,188 km) dự kiến hoàn thành năm 2026; tuyến đường ĐT.787B (dài 14,885 km) dự kiến hoàn thành vào quí 4 năm 2024 và tuyến đường ĐT.789, (dài 24 km) qua thị xã Trảng Bàng (18 km), huyện Dương Minh Châu (6 km) dự kiến hoàn thành năm 2025.
Riêng công trình Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, gói thầu xây lắp thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh đã khởi công vào ngày 28/12/2023. Hiện nhà thầu đang thi công đạt khoảng 10% khối lượng của công trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Trong khi đó, các dự án: Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng đang được tập trung đẩy mạnh triển khai thục hiện. Riêng Cảng cạn Mộc Bài, dự kiến tháng 8/2024 sẽ đưa vào khai thác bãi đậu xe container rỗng và bãi tập kết phương tiện.
Từ nay đến cuối năm 2024, Tây Ninh dự kiến khởi công thêm 4 dự án trọng điểm khác như: dự án Nâng cấp đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Tân Nam (dự kiến khởi công trong năm 2024, hoàn thành vào năm 2025); Đường ĐT.784C (dự kiến khởi công vào tháng 10/2024, hoàn thành năm 2025); Đường Trường Chinh (dự kiến khởi công vào tháng 12/2024, hoàn thành vào năm 2027); Dự án Chỉnh trang đường Cách mạng tháng tám (từ cầu Quan đến Điện Biên Phủ) dự kiến khởi công vào tháng 12/2024, hoàn thành vào năm 2025.
Trước đó, giữa tháng 7/2024, Quân khu 7 phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường Tuần tra biên giới dài gần 35 km và khởi công xây dựng phần còn lại thuộc khu vực mốc 143-146 (dự kiến cuối năm 2024 hoàn tất). Đường tuần tra biên giới đoạn qua tỉnh Tây Ninh có điểm đầu tại cầu Sài Gòn 2 (tỉnh Tây Ninh giáp với tỉnh Bình Phước), điểm cuối gần khu vực mốc 180 (Tây Ninh giáp với tỉnh Long An), dài khoảng 209 km. Giai đoạn 2017 - 2020, đường tuần tra biên giới tỉnh Tây Ninh được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng từ cửa khẩu quốc tế Xa Mát đến giáp tỉnh Long An với chiều dài 130,41 km, tổng mức đầu tư là 1.169 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, dự án đường tuần tra biên giới đoạn qua tỉnh Tây Ninh tiếp tục được đầu tư với chiều dài 34,93 km, tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng.
Gắn với đảm bảo chất lượng công trình
Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định, phát triển hạ tầng giao thông là một trong 4 chương trình đột phá của tỉnh. Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các địa phương mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, những dự án giao thông tỉnh đã và đang triển khai không chỉ giúp người dân tỉnh Tây Ninh đi lại thuận lợi hơn, mà còn giúp kết nối giao thông từ các tỉnh Đông Nam Bộ đến Tây Ninh, trung chuyển hàng hóa liên tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của vùng Đông Nam bộ.
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2024, Tây Ninh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm kế hoạch đã đề ra.
Đồng thời, UBND tỉnh Tây Ninh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên liệu phục vụ dự án, công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân ngay khi khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, khắc phục tình trạng chủ quan, thiếu tích cực, dồn giải ngân vào những tháng cuối năm 2024, dẫn đến không hoàn thành kế hoạch được giao. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.