Để đạt được các mục tiêu này, đối với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, hạ tầng giao thông kết nối liên huyện, liên xã, xây dựng 175 km đường xã; hơn 480 km đường trục xóm, đường liên xóm; sửa chữa, nâng cấp gần 300 km và 6 tuyến giao thông liên xã, đường huyện; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 85 công trình thủy lợi cấp xã, trên 270 km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 160 km đường dây trung thế, hạ thế, 59 trạm biến áp; xây dựng mới hơn 200 phòng học mầm non, trên 160 phòng học cho cấp tiểu học và 140 phòng học cho cấp trung học cơ sở...
Trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, chính quyền các cấp xây dựng, phát triển có hiệu quả các vùng sản xuất tập trung, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh việc thực hiện đề án "Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020 - 2025" và đề án "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 - 2025", chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 để thu hẹp dần về khoảng cách mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng miền núi thuộc các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai so với bình quân chung của cả tỉnh. Bên cạnh đó, Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, đề án về nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường nông thôn...
Trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên dự kiến bố trí khoảng 7.500 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong đó nguồn ngân sách Trung ương trên 1.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.800 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác hơn 1.500 tỷ đồng, còn lại là nguồn huy động từ doanh nghiệp, vốn của người dân...
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, sau nhiều năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đời sống kinh tế - xã hội cũng như diện mạo nông thôn ở Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến đáng kể, hạ tầng nông thôn được nâng cấp đồng bộ, an ninh – chính trị được ổn định. Đến nay, 100% các xã nông thôn đã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện, hệ thống lưới điện trung, hạ thế đã được đầu tư phủ kín 100% các xã, xóm bản trên địa bàn, cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn chuyển đổi theo hướng tích cực, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ tạo ra các vùng sản xuất tập trung, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đã đạt trên 41 triệu đồng/người/năm... Hiện toàn tỉnh đã có trên 100 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, số tiêu chí NTM bình quân toàn tỉnh đạt 17,6 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...
Tuy vậy, quá trình thực hiện xây dựng NTM ở Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Khoảng cách chênh lệch về xây dựng NTM giữa các huyện còn khá lớn, chất lượng một số tiêu chí ở xã đạt chuẩn NTM chưa cao, chưa thực sự bền vũng, đổi mới và phát triển các tổ chức sản xuất còn chậm, thiếu liên kết, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản ở Thái Nguyên chưa cao… Do đó, trong giai đoạn mới, Thái Nguyên tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh, thực hiện hiệu qảu cơ cấu lại ngành nônng nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững .