Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, mạng bưu chính chuyển phát đã phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây. Hiện có 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính tại tỉnh; doanh thu năm 2019 đạt trên 116 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 48 tỷ đồng.
Mạng lưới bưu chính công ích hoạt động cung ứng các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh luôn đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Mạng viễn thông phát triển mạnh, rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông; doanh thu viễn thông năm 2019 đạt 1.756 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 870 tỷ đồng. Có 3 doanh nghiệp viễn thông gồm VNPT Tây Ninh, Viettel Tây Ninh, và MobiFone Tây Ninh được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hạ tầng.
Ngày 3/7/2020, UBND tỉnh Tây Ninh đã khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nhằm cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông như: dịch vụ phản ánh hiện trường, giám sát an ninh trật tự, giám sát an toàn giao thông, giám sát thông tin trên môi trường mạng, hành chính công.
Tỉnh Tây Ninh cũng đang xem xét phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có lồng ghép các nội dung theo "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030" theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước mắt, tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện chuyển đổi số cho một số ngành trọng điểm của tỉnh như: tài nguyên và môi trường, giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông... hoàn thành trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao tỉnh Tây Ninh đã quan tâm phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính công và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh; hướng tới xây dựng chính quyền số gắn với đô thị thông minh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh quan tâm triển khai thực hiện nhanh Chương trình kỹ thuật số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong quý 3 hoặc chậm nhất cuối năm 2020; Bộ Thông tin Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ tỉnh. Nội dung chuyển đổi số cần tập trung ưu tiên triển khai vào một số trọng tâm như: Thanh toán điện tử trên mạng điện thoại di động, thương mại điện tử, trực tuyến khám chữa bệnh từ xa, chính quyền số, sản xuất thông minh, du lịch thông minh...
Tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông, phấn đấu mỗi gia đình có một địa chỉ số để thuận tiện trong giao dịch điện tử; kế đến là quan tâm phát triển dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân; tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư cho an toàn an ninh mạng, bảo vệ hệ thống; đột phá mạnh công nghệ sáng tạo bằng công nghệ số...
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng tỉnh Tây Ninh 200 bộ Cụm truyền thanh thông minh, trị giá 4 tỷ đồng, để trang bị cho các xã, thị trấn, phục vụ công tác thông tin truyền thông bằng công nghệ số; đồng thời ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với UBND tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2021.