Đây là năm thứ 2 liên tiếp vốn FDI của tỉnh Thái Bình đạt trên 1 tỷ USD. Năm 2023, tỉnh Thái Bình thu hút vốn FDI đạt gần 3 tỷ USD (trong đó, riêng dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG Thái Bình có vốn đăng ký đầu tư rất lớn 1,99 tỷ USD).
Là tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và ở trung tâm tam giác phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ là Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng. Trong thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công các đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc và một số nước châu Âu như: Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Bỉ, Nga…; đồng thời, tổ chức làm việc với nhiều đoàn công tác, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Zenith Hàn Quốc, Tập đoàn Tokyo Gas, Tập đoàn Trường Thành, doanh nghiệp điện tử Đài Loan (Trung Quốc)…
Cùng với đó, Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.580 ha, có vị trí thuận lợi khi cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50 km... đã và đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều khu công nghiệp mới được thành lập như: Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Công nghiệp Hải Long, Khu Công nghiệp VSIP Thái Bình... Những khu công nghiệp này đã và đang trở thành điểm nhấn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Để công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ đổi mới mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, có trọng tâm; tích cực xúc tiến các nhà đầu tư có năng lực, sử dụng công nghệ cao, các dự án có số thu nộp ngân sách cao, giá trị gia tăng lớn để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Thái Bình sẽ tăng cường giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; nâng cao tính chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, hồ sơ cho các dự án đầu tư mới, các dự án đã có kế hoạch đưa vào hoạt động, sản xuất để các cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động, tạo giá trị mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông...
Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo...