Nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 tập trung thực hiện 6 mô hình điểm tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh kết nối với hệ thống của trung ương phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số tỉnh Thái Nguyên, tăng cường thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh, phấn đấu hết năm 2023, 100% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước.
Các nhiệm vụ của Đề án 06 được tích cực triển khai đem lại những kết quả đáng ghi nhận; chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng số giúp người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận các nền tảng số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các ứng dụng "C-ThaiNguyen", "Thái Nguyên ID" đã tăng cường thêm các kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, giữa người dân với các dịch vụ xã hội, góp phần tích cực trong công tác chuyển đổi số. Trong phát triển hạ tầng số, hiện tỷ lệ dân số trưởng thành trong toàn tỉnh có điện thoại thông minh đạt 85%, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%, tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 72%.
Với 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, toàn tỉnh đã có 1.800 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS), tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,5%. Đối với việc phát triển chính quyền số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn, kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp; hoàn thiện và đưa vào sử dụng chính thức tại tất cả các bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh, được kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Việc xử lý hồ sơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chỉ tính riêng từ đầu năm đến hết tháng 8/2023 đã tiếp nhận trên 487.700 hồ sơ, đã xử lý 474.950 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,72%.
Đối với phát triển kinh tế số, toàn tỉnh hiện đã phát triển được hơn 320 doanh nghiệp công nghệ số. Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh 9 tháng của năm 2023 ước đạt khoảng 560 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 23,2 tỷ USD), trong đó doanh thu ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ước đạt 535 nghìn tỷ đồng...
Trong lĩnh vực xây dựng xã hội số, hiện nay, 100% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp điện tử, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, hơn 70% người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ 4.0 – chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tỉnh đang hoàn thiện giai đoạn 1 xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành giáo dục Thái Nguyên, triển khai cấp chữ ký số cho hơn 26.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành sử dụng trong hoạt động chuyên môn của ngành giáo dục, giải quyết thủ tục hành chính và triển khai các giải pháp không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư....
Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở thông tin và truyền thông Thái Nguyên, thời gian tới cùng với việc đẩy mạnh việc thực hiện chương trình chuyển đổi số, Thái Nguyên tập trung giair quyết, tháo gỡ một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, khai thác và chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát triển nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị; từng bước giải quyết tình trạng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến toàn trình của các ngành, địa phương chưa đồng đều và việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại một số vùng nông thôn còn thấp. Tỉnh cũng sớm nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng phục vụ lưu trữ các nền tảng số và dữ liệu dùng chung toàn tỉnh tại Trung tâm dữ liệu tỉnh để đáp ứng mức độ tăng trưởng dữ liệu cũng như đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu theo quy định...