Năm 2021, Thái Nguyên xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố (xếp thứ nhất so với 14 tỉnh khu vực Trung du Miền núi phía Bắc) về chỉ số cải cách hành chính, tăng 6 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng của tổ chức, đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt mức cao nhất so với những năm qua (xếp thứ 11) tăng 13 bậc so với năm 2020.
Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã đề ra chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2025, tập trung vào 6 nội dung là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách chế độ công vụ, xây dựng và phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử. Trong đó, tỉnh chú trọng đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu chủ chốt, nhằm tận dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo nên đột phá.
Với cải cách thể chế, tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nền hành chính nhà nước đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với cải cách thủ tục hành chính, các cấp ngành sẽ đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện khác nhau; cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó 80% được tích hợp cung cấp trên Cổng dịch công quốc gia; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với giải quyết thủ tục hành chính đạt 90% trở lên. Trong lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Thái Nguyên tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, sắp xếp tinh gọn. Trong đó, giảm tối thiểu bình quân cả tỉnh 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Đối với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và úng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy hoàn thành cây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước… với mục tiêu 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử được chia sẻ, kết nối với hệ thống quốc gia; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của tỉnh; trục kết nối, liên thông xử lý văn bản, dữ liệu từ cấp xã phường, huyện, tỉnh đồng bộ.
Để hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021- 2025 đề ra, tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm phục vụ giải quyết các dịch vụ công trực tuyến. Đến thời điểm hiện tại, việc số hóa dữ liệu đã đạt 99,23%, tỉnh phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/10/2022. Tỉnh hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính(1.231 thủ tục) đủ điểu kiện lên mức độ 4 cung cấp trên cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó, có 1.072 dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, 115 dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và 44 dịch vụ công trực tuyến cấp xã. Tỉnh đã tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính với 100% hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh tại cấp tỉnh, huyện được số hóa. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 4 trên toàn tỉnh đạt 67,8%. Tỉnh giảm 50% lệ phí cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công cung cấp trực tuyến...