Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017 với tinh thần hướng tới đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung quy hoạch, mà cốt lõi của nó chính là sự sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới cho đất nước, từng ngành, địa phương. Hay nói cách khác, quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian một cách bài bản, khoa học. Từ đó, tạo sự phát triển bền vững cho đất nước, từng vùng, từng địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng.
"Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước", Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Đối với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh ủy, HĐND, UBND, tỉnh Thanh Hóa đối với công tác lập quy hoạch tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những tỉnh sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định.
Thanh Hóa là một tỉnh đông dân, lực lượng lao động dồi dào và cần biến thành sức mạnh, động lực phát triển, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia quy hoạch tham gia ý kiến để tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch.
Theo đó, tập trung làm rõ các yếu tố, điều kiện tác động để xác định rõ vai trò và vị thế của tỉnh trong thời kỳ 2021-2030; khả năng liên kết phát triển với các tỉnh Bắc Trung bộ để tạo nên cực tăng trưởng mới của vùng.
Cùng với đó, làm rõ phương án phát triển công nghiệp của tỉnh; phát triển công nghiệp đảm bảo tính kết nối, liên kết về chuỗi giá trị về sản phẩm công nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp khác trên địa bàn vùng; xem xét tính hợp lý về phương án phát triển và quy mô đầu tư 10 khu công nghiệp mới, cụm công nghiệp bảo đảm yêu cầu liên kết về chuỗi giá trị sản phẩm, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất…
Ngoài ra, làm rõ các phương án phát triển của tỉnh đều phụ thuộc vào việc mở rộng, nâng công xuất nhà máy lọc hóa dầu trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong khi biến động của kinh tế thế giới khó lường, nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung phương án phát triển và kịch bản tăng trưởng để lựa chọn đảm bảo tính khả thi.
Mặt khác, trong quy hoạch coi đây là khu công nghiệp - đô thị- dịch vụ thì vấn đề bảo vệ môi trường chung cho cả Khu Kinh tế Nghi Sơn để đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, sạch, bền vững là việc cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đồng thời, làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học trong việc điều chỉnh giảm diện tích diện tích đất rừng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất tại những vùng xung yếu, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống cát bay…
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, trong những năm qua, nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đang là điểm đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, Thanh Hóa cũng đứng trước nhiều thách thức giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo phát triển xã hội và các vấn đề về môi trường; những bất lợi từ thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung cao triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, các nhà phản biện và đại biểu đã thảo luận, góp ý vào quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để bản quy hoạch hoàn thiện hơn, đảm bảo quy hoạch đáp ứng yêu cầu…