Thanh âm từ làng nghề lợp cua ở vùng biên Đồng Tháp

Mỗi mùa nước nổi, âm thanh rộn ràng của làng nghề ngư cụ, trong đó có nghề làm lợp cua ở đầu nguồn Đồng Tháp lại rộn rã vang lên như một đặc trưng của miền Tây sông nước mỗi dịp con nước đỏ đổ đồng. Tuy con nước năm nay về muộn, sức tiêu thụ ở làng nghề ngư cụ này có phần sụt giảm nhưng những người gắn bó với nghề vẫn duy trì sản xuất để trông con nước về.

Chú thích ảnh
Sản xuất lọp cua ở làng nghề đan lọp xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự. Ảnh: baodongthap.vn

Những ngày cuối tháng 7 âm lịch, chúng tôi có mặt tại ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự - nơi sản xuất lợp cua truyền thống của bà con ở vùng Đồng Tháp. Gắn bó với nghề gần 20 năm, ông Lê Văn Phúc (66 tuổi) cho biết, giờ đây chỉ còn khoảng 60 hộ làm nghề. Mặc dù số lượng người tham gia nghề còn ít, phần lớn là người lớn tuổi nhưng được phân công rất bài bản: hộ chuyên vót tre làm nan, hộ chuyên làm hom,… Sản phẩm lợp cua làm ra tại làng nghề được tiêu thụ chủ yếu ở các thị trường như Campuchia, Long An và các huyện, thị trong tỉnh.

Ông Phúc nói thêm, nghề lợp cua vốn làm quanh năm nhưng cao điểm nhất là mùa nước nổi (tháng 7 - 9 âm lịch). Những năm về trước, thời điểm này nước lũ đã tràn đồng. Năm nay đã qua nửa tháng 7 nhưng nước vẫn chưa nhiều, thương lái tìm mua cũng ít cho nên ông sản xuất khoảng 500-700 cái lợp và dự kiến không tăng thêm.

Là cơ sở sản xuất lợp cua với số lượng lớn, ông Nguyễn Văn Ri (57 tuổi) cho biết, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất từ 4.000 - 5000 cái lợp. Mùa nước nổi năm 2019, đơn đặt hàng nườm nượp, cơ sở phải tìm thêm các hộ sản xuất khác trong vùng để đáp ứng đủ lượng hàng đặt, nhưng năm nay nước ít, người mua cũng vắng.

Cũng theo lão nông hơn 20 năm kinh nghiệm, những năm gần đây một số hộ đã cải tiến bằng cách thay nguyên liệu bện hom bằng tre sang lưới kẽm để tiết kiệm công lao động, nhưng lợp bằng tre vẫn được ưa dùng. Bí quyết để cua “chạy nhiều” ngoài mồi nhử, còn ở kỹ thuật làm hom để giữ cua lại trong lợp. Ngoài ra, chất liệu làm sản phẩm cũng phải được  chọn kỹ. Theo đó, tre làm lợp phải là lõi tre già, cứng, không sử dụng lõi tre non vì rất yếu, dễ mục, gãy khi ngâm nước. Mỗi chiếc lợp cua có chiều dài 58 - 60 cm; với giá 27.000 đồng/cái, sau khi trừ chi phí, người sản xuất có lãi từ 8.000 - 10.000 đồng/cái.

Bà Bùi Thị Nghi nói, để hoàn thiện một cái lợp cua phải mất nhiều công đoạn từ chẻ - chuốt nan tre, uốn vành, bện hom, dệt vỉ, lắp ráp các bộ phận… Do tất cả các công đoạn này đều được thực hiện bằng thủ công, nên mỗi ngày một người chỉ làm được khoảng 2 - 3 cái lợp. Với giá này, người dân làm lợp chủ yếu là muốn giữ nghề và lấy công làm lời trong những lúc nông nhàn.

Theo bà Nghi, các công đoạn ban đầu (chẻ, chuốt nan tre, uốn vành) mọi lứa tuổi đều làm được nên các cơ sở sản xuất quy mô lớn thường thuê mướn các thợ gia công, riêng các công đoạn khó như: bện hom, dệt vỉ, lắp ráp các bộ phận,… sẽ do thợ chính - người có tay nghề thực hiện. Nhờ vậy, khi vào vụ sản xuất, mỗi người thợ phụ gia công cũng có thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày.

Chương Đài (TTXVN)
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với giá trị của làng nghề truyền thống
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với giá trị của làng nghề truyền thống

Với lợi thế có 1.350 làng nghề truyền thống và làng có nghề, Hà Nội rất tiềm năng để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN