Đây cũng là cơ sở quan trọng để thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục phát huy những thế mạnh, tận dụng những quyết sách của Trung ương tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Vui mừng với nông thôn mới
Trong tháng 11/2024, thành phố Buôn Ma Thuột lần lượt công bố 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Xã Ea Kao, Ea Tu, Cư Êbur và Hoà Thắng. Cả 4/4 xã đều đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo quy định tại Quyết định số 1831/QĐ-UBND, ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Như vậy, thành phố Buôn Ma Thuột đã có 5/8 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao. Trước đó, năm 2021, xã Hòa Thuận là địa phương đầu tiên của thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Kinh tế của xã Cư Êbur chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với toàn thành phố. Xã gồm 7 thôn, buôn; trong đó có 4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số; có 6 dân tộc cùng sinh sống và cũng là địa phương có đông đồng bào có đạo sinh sống.
Với các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Nông thôn mới, cùng sự tham gia tích cực của nhân dân, xã Cư Êbur được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Đến năm 2023, xã Cư Êbur đã hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ngày 4/11/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 2781/QĐ-UBND, công nhận xã Cư Êbur đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn.
Ông Trần Ngọc Hợi, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Châu Sơn, xã Cư Êbur cho biết: Phong trào xây dựng nông thôn mới được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con nhân dân hết sức quan tâm. Với sự đồng thuận của bà con nhân dân trên địa bàn xã nói chung và bà con giáo dân xứ Châu Sơn nói riêng, Hội đồng giáo xứ đã tuyên truyền, vận động triển khai đến bà con giáo dân của giáo xứ tổ chức thực hiện tốt phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Với tinh thần đó, bà con giáo dân đã tích cực xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường, xây dựng đường cờ, đường hoa, xây dựng nếp sống minh đô thị, sống tốt đời đẹp đạo.
Đồng thời, Giáo xứ phối hợp cùng UBND xã làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Bà con chủ động, nhanh nhạy trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây thanh long, mô hình nuôi nai, trồng nấm, nuôi gia cầm lấy trứng... Hưởng ứng phong trào Xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, bà con giáo dân đã tích cực tham gia hiến đất, cây cối, hoa màu và nhiều ngày công lao động, cũng như tiền, hiện vật, để chung sức xây dựng các công trình đường giao thông, cầu cống, đường nội đồng...
"Hiện nay, cùng với hệ thống điện chiếu sáng, các trục đường dẫn vào khu dân cư đều được bà con phát quang, vệ sinh sạch sẽ, thi đua xây dựng đường cờ, đường hoa, cây cảnh…Với sự đầu tư hỗ trợ của cấp ủy đảng chính quyền và sự tích cực tham gia đóng góp của quần chúng nhân dân, đến nay các trục đường liên thôn đã đáp ứng được giao thông đi lại, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, đời sống nhân dân cũng không ngừng được nâng cao nên bà con rất vui mừng, phấn khởi", ông Trần Ngọc Hợi cho hay.
Theo ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, thực hiện chủ trương xây dựng các xã đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, từ năm 2022, thành phố đã xây dựng đề án triển khai. Đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực, thành phố tiếp tục nỗ lực giữ vững kết quả đã đạt được, phấn đấu đến năm 2025 có 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 6 xã đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao. Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ phấn đấu 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố.
Vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới
Bà H’Yam Bkrông (sinh năm 1965), buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột phấn khởi cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn, xã Ea Kao lần lượt đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đang hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Trên con đường xây dựng nông thôn mới, nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn xã cũng có những đóng góp tích cực, ra sức thi đua hiện phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây cũng là yếu tố quan trọng để địa phương hoàn thành và duy trì các tiêu chí nông thôn mới.
“Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, nhân dân các dân tộc anh em ở xã Ea Kao sẽ tiếp tục đoàn kết, ra sức lao động sản xuất và cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần vào thành công chung của thành phố Buôn Ma Thuột trên con đường xây dựng nông thôn mới”, bà H’Yam Bkrông chia sẻ.
Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, mà đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn cũng được cải thiện rất rõ rệt.
Hướng đến mục tiêu đến 2025 có 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 6 xã đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao, thành phố đã dành nguồn lực từ năm 2023. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, đặc biệt là sự tham gia của người dân, mở rộng các mô hình hợp tác xã, các chuỗi liên kết, nhất là các chuỗi sản phẩm chủ lực như cà phê, sầu riêng, tiêu và các cây công nghiệp có giá trị cao. Mặt khác, nâng cao giá trị sản xuất cho các đơn vị, các mô hình hợp tác xã, trong đó chú trọng nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân trên các đơn vị diện tích ở các xã.
Bên cạnh nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đang triển khai các chính sách của Trung ương, như: Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk…
Đây đều là những quyết sách được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của thành phố Buôn Ma Thuột và từng bước trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo kết luận của Bộ Chính trị.