Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số đã tham gia bảo vệ, phát triển rừng và có thêm nguồn thu nhập bền vững từ rừng, từng bước nâng cao kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà có hơn 6.000 rừng, thuận lợi rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính quyền xã Đăk Ui đã thường xuyên tuyên truyền cho bà con thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng nhằm góp phần làm tăng tỷ lệ che phủ rừng, mang lại môi trường sống tốt cho người dân.
Anh A Hiếu ở thôn Kon Năng Treng, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà cho biết, hai tuần 1 lần, anh thường xuyên vào khu vực rừng được xã giao khoán để kiểm tra, đặc biệt là vào mùa khô, khi nhiều khu vực có nguy cơ cháy rất cao. Nếu phát hiện những đối tượng khả nghi, khai thác lâm sản trái phép, anh sẽ lập tức báo với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý.
Bà con ở các thôn ngày càng nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và số vụ vi phạm lâm luật cũng như tình trạng phá rừng làm nương, rẫy không còn xảy ra; người dân sống gần rừng có thêm công việc, thu nhập ổn định. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, số tiền thu về từ chi trả dịch vụ môi trường rừng là rất lớn nên nhiều người đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng tại địa phương.
Hiện, xã Đăk Ui đã giao khoán hơn 2.600 ha rừng cho hơn 270 hộ gia đình để quản lý và bảo vệ. Mỗi năm, các hộ tham gia bảo vệ rừng đã nhận được gần 1,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Ông Đinh Thư, Chủ tịch UBND xã Đăk Ui cho hay, khi tham gia vào công tác bảo vệ rừng, người dân đã trở thành “cánh tay” đắc lực của chính quyền trong phòng chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn. Người dân đã chung tay cùng chính quyền tham gia dự án trồng mới 100 ha rừng keo, bạch đàn trên diện tích đất cằn cỗi. Từ đó, giúp cải tạo nhiều diện tích rừng trên địa bàn, các hộ dân cũng được hưởng nhiều lợi ích từ việc tham gia bảo vệ rừng.
Ông A Tuấn ở xã Đăk Ui chia sẻ, từ khi tham gia bảo vệ rừng tại địa phương, ông nhận được hơn 10 triệu đồng/năm thông qua dịch vụ môi trường rừng. Ông để dành số tiền này đầu tư vào trồng 2 ha cây cà phê, cây ăn quả và 2 sào ruộng. Qua đó, mang lại cho ông nguồn thu nhập bền vững và từng bước vươn lên trở thành hộ khá giả trong vùng.
Nhờ vào nguồn thu nhập từ việc bảo vệ rừng, người dân xã Đăk Ui đã từng bước nâng cao đời sống. Tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 13,67% năm 2019, xuống còn 8,65% năm 2020.
Để thuận tiện trong quá trình chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh chi trả bằng hình thức lưu động qua tài khoản ngân hàng tại thôn, giúp người dân giải quyết các thủ tục nhanh chóng và nhận đủ số tiền trong quá trình chi trả.
Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho rằng, lợi thế lớn nhất của việc chi trả bằng hình thức lưu động qua tài khoản ngân hàng là đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn và thuận tiện cho người dân, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Người dân có thể để tiền trong ngân hàng lấy lãi hoặc để sử dụng các dịch vụ ngân hàng; nếu có nhu cầu, người dân được rút tiền ngay để sử dụng.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, trong năm 2021, đơn vị đề ra kế hoạch thu hơn 298 tỷ đồng và chi hơn 300 tỷ đồng; trong đó, kinh phí chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, các UBND xã, thị trấn và các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hơn 256 tỷ đồng.
Ông Hồ Thanh Hoàng cho biết thêm, để tiếp tục thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, đơn vị sẽ chủ động, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách theo quy định của nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cũng tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan của tỉnh kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã nhằm phát hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cùng phối hợp với các Hạt Kiểm lâm, các UBND xã, thị trấn xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng và xác định diện tích rừng được chi trả cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các UBND xã, thị trấn. Từ đó, giúp các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư phát triển sinh kế, nâng cao đời sống, xây dựng khu dân cư sinh ngày càng giàu mạnh.